Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Muốn bền vững phải thay đổi tư duy

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu (XK) tiêu thụ lớn sản phẩm nông sản Việt Nam, nhưng kim ngạch XK mặt hàng này chưa bền vững khi phụ thuộc rất lớn vào XK tiểu ngạch. Muốn phát triển XK bền vững đòi hỏi DN Việt Nam phải thay đổi tư duy theo hướng nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định kỹ thuật của thị trường Trung Quốc.

 Cơ quan chức năng tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) kiểm tra nông sản xuất sang Trung Quốc. Ảnh: Thanh Xuân
Yêu cầu kiểm dịch, xuất xứ ngày càng cao
Thống kê của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy: Trung Quốc là thị trường XK chính của Việt Nam, năm 2018 Trung Quốc nhập khẩu 1,3 triệu tấn gạo, chiếm 22% tổng lượng gạo XK của Việt Nam; với mặt hàng trái cây, rau quả Trung Quốc nhập khẩu 2,78 tỷ USD, chiếm trên 70% tỷ trọng XK mặt hàng này của Việt Nam trong năm 2018.
Để thuận lợi khi giao dịch, kinh doanh tại thị trường Trung Quốc, DN cần đăng ký thương hiệu sản phẩm với cơ quan chức năng của Trung Quốc, đồng thời cũng cần xác minh thực lực và uy tín của DN nhập khẩu Trung Quốc, qua đó hạn chế tình trạng DN Trung Quốc “chạy làng”. Bên cạnh đó, DN cần cập nhật các thông tin thị trường, chính sách xuất nhập khẩu, các quy định về chất lượng sản phẩm và thị hiếu tiêu dùng của các địa phương bên phía Trung Quốc.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc Đào Việt Anh

Mặc dù đạt được con số như vậy, song hầu hết các hoạt động XK nông sản đều thực hiện theo đường tiểu ngạch không có hợp đồng ràng buộc pháp lý giữa người bán và người mua nên dễ dẫn đến tình trạng đối tác Trung Quốc phá bỏ hợp đồng. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, lâu nay DN thường không chú ý truy xuất nguồn gốc của hàng hóa nên việc xây dựng thương hiệu, nhãn hàng khi XK dường như không có; chất lượng sản phẩm không đồng đều, sức cạnh tranh kém… “Nếu cứ tiếp diễn con đường XK tiểu ngạch thì DN Việt, hàng hóa Việt sẽ không có tên tuổi, vị trí cũng như sự phát triển trong tương lai tại thị trường Trung Quốc” - ông Ngô Trí Long cảnh báo.

Không chỉ có vậy, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết thêm: Bản chất thực sự của con đường XK tiểu ngạch sang Trung Quốc đều do các thương lái sang tận nơi để tìm nguồn hàng. Bản thân DN Việt chưa hiểu rõ về thị hiếu, nhu cầu của thị trường, thiếu thông tin và chưa chủ động khai thác thị trường mà phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc nên dẫn đến tình trạng hàng hóa bị ứ đọng tại các cửa khẩu, rớt giá.

Thực tế cho thấy, thời gian gần đây yêu cầu về chất lượng hàng hóa nhập khẩu tại thị trường Trung Quốc ngày càng được nâng lên, nhất là truy xuất nguồn gốc nông sản. Theo đó, từ đầu năm 2019, hải quan Trung Quốc đã siết chặt kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập từ Việt Nam với yêu cầu: Phải ghi rõ tên, mã số của cơ sở đóng gói có đăng ký với các cơ quan chức năng của Việt Nam, cũng như đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận trên website; Sản phẩm phải có Chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước XK cấp cho các lô hàng. Nếu phát hiện hàng hóa có nguồn gốc không phải từ các nhà vườn, cơ sở đóng gói đã được đăng ký thì không được phép nhập vào Trung Quốc.

Chuyển dần sang xuất khẩu chính ngạch

Tuy hàng hóa XK theo đường chính ngạch đòi hỏi chất lượng phải cao hơn tiểu ngạch, nhưng XK chính ngạch ổn định hơn, bền vững hơn. Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa cho rằng, muốn tăng kim ngạch XK nông sản chính ngạch đòi hỏi DN phải đầu tư cho kỹ thuật sản xuất, công nghệ hiện đại trong chế biến, bảo quản qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm; Có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch động thực vật. Bên cạnh đó, DN cần thay đổi tư duy làm ăn, hướng đến XK chính ngạch bởi Chính phủ 2 nước đã thống nhất quản lý xuất nhập khẩu theo hướng chuyển dần sang chính ngạch.

Theo Giám đốc Công ty Liaocheng Xinghao IM&Export Co.,Ltd Shi Xin Biao: Để tránh hàng bị tồn đọng, DN Việt Nam cần nâng cao hiệu quả xác nhận chứng thực xuất xứ, tiến hành số hóa giấy chứng nhận, hệ thống hóa toàn bộ quy trình để có thể dễ dàng tra cứu khi cần. Bước đầu, DN nên xây dựng uy tín trong hợp tác lâu dài với các đối tác Trung Quốc như cung cấp sản phẩm ổn định, chất lượng cao với phương thức giao dịch thanh toán linh hoạt, an toàn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn tăng kim ngạch XK hàng nông sản sang Trung Quốc theo đường chính ngạch đòi hỏi chính bản thân DN phải thay đổi cách nghĩ, cách làm theo hướng thay đổi tư duy khi xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc. Hiện Bộ Công Thương đang có kế hoạch tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để mở các lớp tập huấn cũng như cung cấp thông tin cho DN về thị trường, yêu cầu cũng như các quy định của Trung Quốc.