Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân xung quanh việc thực hiện những nhiệm vụ then chốt để tiếp tục đưa TP ngày càng phát triển, nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật của TP Hồ Chí Minh sau 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước?
- Nhìn lại khoảng thời gian 40 năm từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng tuy trải qua những giai đoạn khó khăn, thử thách song đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên tất cả mọi mặt. Thứ nhất, về kinh tế, 40 năm qua kinh tế TP không ngừng tăng trưởng, đóng vai trò là đầu tàu, động lực phát triển của cả nước. Từ mức tăng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân 2,7%/năm trong giai đoạn 1976 - 1985, bước sang giai đoạn đổi mới, nhiều năm liền GDP của TP duy trì tốc độ bình quân từ 10 - 12%/năm, cao hơn 1,5 lần so với cả nước. Nhất là giai đoạn 2011 - 2015, tuy bị tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới nhưng GDP của TP ước tăng bình quân 9,6%/năm, gấp 1,66 lần mức tăng bình quân cả nước. Hiện nay, TP đóng góp 21% GDP của cả nước, 30% nguồn thu ngân sách quốc gia và là một trong những địa phương thu hút đầu tư lớn của cả nước.
Thứ hai, công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị có nhiều chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội được tập trung đầu tư, từng bước xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, phục vụ tốt hơn cho đời sống Nhân dân, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tính riêng 5 năm gần đây (giai đoạn 2011 - 2015), TP hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông trọng điểm. Nhiều công trình tiêu biểu, mang lại diện mạo mới cho bộ mặt đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như đường Nguyễn Văn Linh, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn 2, đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, hầm vượt sông Sài Gòn, đường Phạm Văn Đồng, hoàn thành nạo vét luồng Soài Rạp… Hiện nay, TP đang triển khai xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Tham Lương... Trong tương lai, khi hệ thống hạ tầng giao thông phát triển hoàn thiện về đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy sẽ đảm bảo cho TP là trung tâm liên kết giao thông của vùng, quốc gia, ASEAN và quốc tế; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Ngoài ra, TP không ngừng đẩy mạnh cải tạo hệ thống kênh rạch trên địa bàn như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; kênh Bến Nghé - Tàu Hũ - kênh Đôi - kênh Tẻ; kênh Tân Hóa - Lò Gốm… góp phần rất lớn vào việc cải thiện môi trường, giải quyết tình trạng ngập úng, cải thiện chất lượng sống cho hàng triệu người dân, đặc biệt là các khu dân cư nghèo.
Thứ ba, lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - thể thao có nhiều chuyển biến tích cực. TP đã tập trung triển khai thực hiện 6 chương trình nhánh thuộc chương trình phát triển nguồn nhân lực; hoàn thành quy hoạch chi tiết mạng lưới trường học tại các quận, huyện đến năm 2020. Đến nay, TP có trên 105 bệnh viện các loại với trên 34.000 giường bệnh, đáp ứng nhu cầu khám và chữa bệnh cho 29 triệu lượt người, đạt 14,5 bác sĩ/10.000 dân, 43 giường/10.000 dân. Đặc biệt, 40 năm qua, mức sống của người dân đã được nâng lên đáng kể. Hiện nay, GDP bình quân đầu người TP đạt 5.131 USD/người/năm. Đến cuối năm 2015, GDP bình quân đầu người của người dân TP ước đạt 5.538 USD/người/năm, vượt chỉ tiêu Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ IX đề ra (4.800 USD/người/năm). Cùng với đó, hoạt động đối ngoại của TP được triển khai đồng bộ và tích cực trên các mặt, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, phục vụ thiết thực mục tiêu phát triển và hội nhập quốc tế của TP, tạo thêm thế và lực, uy tín trên trường quốc tế.
Là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP đã phát huy vai trò và tính chủ động sáng tạo như thế nào, thưa ông?
- Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của các bộ, ngành T.Ư và các tỉnh, thành trong cả nước, TP đã chủ động nắm bắt, theo sát thực tiễn và yêu cầu phát triển. Đồng thời, TP đã có những đề xuất với T.Ư về chính sách phân cấp mạnh mẽ cho TP, đặc biệt ở một số lĩnh vực như quản lý tài chính công, tăng hơn tính tự chủ cho TP về ngân sách, quyết định một số khoản thu, chi; về quy hoạch, kế hoạch và đầu tư; tổ chức, nhân sự; thẩm quyền xử phạt hành chính… phù hợp với điều kiện của TP. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh chủ động phối hợp, phát triển quan hệ liên kết, hợp tác trên các lĩnh vực với các tỉnh, TP trong cả nước, tạo nên sự gắn bó và sức mạnh chung để cùng phát triển.
Để phát huy những thành tựu trên, đặc biệt là gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP đến năm 2020, xin ông cho biết, TP đang tập trung vào những nội dung gì?
- Trên cơ sở những kết quả đạt được về kinh tế - văn hóa - xã hội của TP Hồ Chí Minh trong 40 năm sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và Quyết định số 2631/QĐ - TTg ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn 2025. Theo đó, mục tiêu tổng quát là: “Xây dựng TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn đối với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á; góp phần tích cực đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”.
Theo đó, TP sẽ triển khai thực hiện một số mục tiêu quan trọng. Thứ nhất, tập trung khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt từ 9,5 - 10%/năm và giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 8,5 - 9%/năm.
Thứ hai, tiếp tục thúc đẩy phát triển các nhóm ngành dịch vụ đạt chất lượng, hiệu quả; phát triển 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao (cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược - cao su; chế biến tinh lương thực, thực phẩm), phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nâng cao chất lượng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.
Thứ ba, tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; huy động các nguồn lực tham gia bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó, hạn chế tác hại do biến đổi khí hậu và nước biển dâng; quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển trên các lĩnh vực. Thực hiện tốt các chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo trong các tầng lớp Nhân dân; phấn đấu đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh không còn hộ nghèo theo chuẩn có thu nhập bình quân dưới 16 triệu đồng/người/năm.
Thứ năm, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong mọi tình huống; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, xây dựng thế trận an ninh Nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Thứ sáu, triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa; tăng cường, đổi mới hoạt động thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh Việt Nam và TP Hồ Chí Minh.
Đây là những mục tiêu đòi hỏi sự tập trung nguồn lực của cả hệ thống chính trị, sự thống nhất giữa các cấp, các ngành trong công tác triển khai thực hiện; yêu cầu sự nỗ lực và sáng tạo, dám nghĩ dám làm của lãnh đạo TP và trên hết chính là sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân. Với truyền thống năng động và sáng tạo, TP sẽ phát huy những thời cơ và thuận lợi, vượt qua những khó khăn và thách thức, xây dựng TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á; góp phần tích cực đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 theo Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2020.
Xin cảm ơn ông!