Kinhtedothi - Sau hai tuần xử phạt vi phạm không đội mũ bảo hiểm (MBH) khi ngồi trên xe máy, xe đạp điện tham gia giao thông, học sinh (HS) Hà Nội có thực sự ý thức được ý nghĩa của việc làm này? Ông Nguyễn Hiệp Thống – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, ý thức HS được nâng lên rõ rệt và ngành GD&ĐT Thủ đô sẽ tiếp tục sâu sát với vấn đề này.
Sau hơn 10 ngày áp dụng xử phạt không đội MBH (cả trẻ trên 6 tuổi), đến thời điểm này, có bao nhiêu HS bị lực lượng an ninh, cảnh sát giao thông xử phạt và gửi danh sách về nhà trường, thưa ông?
- Đã có 118 HS bị cảnh sát giao thông xử phạt và gửi danh sách tên tuổi về trường. Số HS vi phạm tập trung ở các khu vực huyện Thanh Oai, Sóc Sơn và một số quận nội thành; trường có 3 HS, trường 5 HS, trường 7 HS vi phạm.
Ông có nhận định gì sau hai tuần thực hiện xử phạt HS không đội MBH tham gia giao thông?
- Số HS phải đội MBH ở Hà Nội là hơn 1 triệu em, trừ HS nhỏ tuổi được bố mẹ đưa, đón còn xấp xỉ 1 triệu HS. Tôi có thể khẳng định, qua đợt xử phạt này, ý thức nâng lên rõ rệt, nhiều trường học thực hiện rất tốt. Việc này được thể hiện qua nhiều hoạt động như dặn dò HS trước giờ chào cờ, giờ sinh hoạt lớp, ngoài cổng trường có băng rôn, khẩu hiệu… Đặc biệt phong trào đã nhận được sự đồng thuận của cha mẹ HS, phụ huynh hiểu được đội MBH là cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng cho con em mình.
Vẫn còn khá nhiều HS cấp THCS, THPT đi xe đạp điện không đội MBH, phụ huynh “quên” nhắc con đội MBH khi đến trường. Với những vi phạm này, Sở có chấn chỉnh, chỉ đạo ra sao đối với các nhà trường?
- Ở đâu đó vẫn còn HS, phụ huynh vi phạm quy định (HS đi xe đạp điện, HS trên 6 tuổi phải đội MBH) bởi việc thực hiện còn mới mẻ. Tuy nhiên, có những HS kể cả phụ huynh vẫn chưa thực hiện nghiêm việc đội MBH khi tham gia giao thông. Tuy nhiên chúng tôi không vì thế mà bi quan. Sở GD&ĐT, TP sẽ tiếp tục làm và sẽ làm quyết liệt. Chúng tôi vẫn nhắc nhở, chỉ đạo các nhà trường tiếp tục tuyên truyền, làm tích cực, không lơi lỏng việc này. Đối với một số trường có HS vi phạm bị công an nhắc nhở, Sở yêu cầu các trường chấn chỉnh ngay và có những hình thức xử lý HS nghiêm khắc. Nếu các trường có HS tiếp tục bị công an nhắc vi phạm tiếp lần thứ hai, cuối năm sẽ bị trừ thi đua.
Nhiều người vẫn lo ngại liệu có xảy ra việc “Đánh trống bỏ dùi”? Theo ông cần có biện pháp nào để đội MBH trở thành nếp, là nét đẹp văn hóa khi tham gia giao thông?
- Về việc này, cá nhân tôi kiến nghị cơ quan chức năng cần duy trì xử phạt thật nghiêm, kể cả phụ huynh và HS, không để xảy ra tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Bên cơ quan Công an duy trì báo cáo định kỳ, có thể 15 ngày/lần hoặc 1 tháng/lần báo cáo những HS vi phạm. Đặc biệt, rất cần cơ quan báo chí, các phương tiện truyền thông, thông tin về tai nạn giao thông, thông tin dày để HS, người dân thấy nguy hại từ việc không thực hiện nghiêm đội MBH khi tham gia giao thông.
Hơn nữa, các công ty cung ứng MBH, ngoài đảm bảo chất lượng, cũng cần tạo mẫu mã đẹp, thời trang, hợp sở thích của HS, để HS đón nhận. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa, các tổ chức, DN có quỹ ủng hộ HS nghèo, nhất là đối với những HS ở huyện nghèo, vùng sâu, xa thì vào đầu năm học, kết thúc năm học thay vì cho mỗi HS 100.000 - 200.000 đồng, nên phát MBH miễn phí cho HS để các em thấy được tầm quan trọng và ý nghĩa khi đội MBH để bảo toàn tính mạng cho chính mình. Tôi cũng tha thiết mong cha mẹ HS đồng hành cùng các nhà trường, cùng Sở GD&ĐT Hà Nội thực hiện nghiêm đội MBH cho con, tạo thành nền nếp và nét đẹp văn hóa khi tham gia giao thông.
Xin cảm ơn ông!
Xử phạt học sinh không đội mũ bảo hiểm trên phố Thụy Khuê. Ảnh: Thanh Hải
|