Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Yêu cầu duy trì hòa bình, an ninh và hợp tác ở Biển Đông

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong 5 ngày (10 – 14/6), tại New York, Mỹ diễn ra Hội nghị lần thứ 23 các nước thành viên Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) với sự tham gia của các nước thành viên.

Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp quốc, đã dẫn đầu đoàn Việt Nam dự hội nghị.
 
Tại Hội nghị, Đại sứ Lê Hoài Trung đã đánh giá cao hoạt động của các cơ quan được thành lập trong khuôn khổ Công ước trong năm 2012, hoan nghênh các quốc gia thành viên thảo luận các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực thi Công ước nhằm tìm ra cách thức thích hợp thúc đẩy các mục tiêu và nguyên tắc của Công ước.
 
Đại sứ cũng yêu cầu duy trì một môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác ở Biển Đông để sử dụng các vùng biển, khai thác bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển theo quy định của Công ước là đòi hỏi tất yếu và được các quốc gia trong khu vực quan tâm, thúc đẩy.
 
 
Yêu cầu duy trì hòa bình, an ninh   và hợp tác ở Biển Đông - Ảnh 1
 
Một phiên họp của Thượng viện Mỹ. Ảnh AP
 
Đại sứ nêu rõ, trong khi chưa đạt được giải pháp đối với các tranh chấp về lãnh thổ và ranh giới vùng biển, các quốc gia ven biển cần nghiêm túc tuân thủ các quy định của Công ước.
 
Trong một diễn biến khác, Thượng viện Mỹ hôm 11/6 (theo giờ địa phương) đã thông qua nghị quyết tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền và quyền tài phán biển tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua các biện pháp hoà bình.
 
Theo đó, Thượng viện Mỹ lên án mọi hành động cưỡng ép, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực nhằm thực thi những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải hoặc thay đổi hiện trạng tại Biển Đông và Hoa Đông. Nghị quyết kêu gọi các bên liên quan kiềm chế những hành động gây mất ổn định, làm phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp.
 
Thượng viện Mỹ ủng hộ mạnh mẽ việc ASEAN và Trung Quốc xúc tiến Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) và kêu gọi tất cả các quốc gia ủng hộ nỗ lực của ASEAN trong vấn đề này. Trong nghị quyết, Thượng viện Mỹ đã đánh giá cao tầm quan trọng của các thể chế khu vực như Hội nghị cấp cao Đông Á, ASEAN và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) với vai trò là nền tảng kiến tạo các khuôn khổ trong khu vực để thúc đẩy hoà bình, an ninh và tăng trưởng kinh tế.
 
Nghị quyết nêu rõ nhiều vụ việc nguy hiểm và gây mất ổn định đã xảy ra tại Biển Đông trong những năm gần đây, trong đó có vụ tàu Trung Quốc làm đứt cáp thăm dò của tàu khai thác dầu khí Việt Nam, Trung Quốc phong toả khu vực bãi đá cạn Scarborough và in bản đồ chính thức, xác định "đường lưỡi bò" 9 đoạn là biên giới quốc gia của nước này.
 
Đồng thời bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc phát triển cái gọi là "thành phố Tam Sa" và thành lập một đơn vị quân sự tại đây. Nghị quyết của Thượng viện Mỹ cũng đề cập tới những tranh chấp trên biển Hoa Đông trong thời gian qua và kêu gọi các bên có biện pháp ngăn ngừa sự cố và giải quyết bất đồng một cách hoà bình.