Ông Nguyễn Đức Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài cho biết, nhà ga T2 được xây dựng cạnh nhà ga T1 (nhà ga quốc tế hiện nay, tới đây sẽ là nhà ga nội địa). Việc khai thác hàng hóa từ máy bay sẽ phải vận chuyển qua Nhà ga T1 (ga nội địa) đến kho hàng. Nếu hàng hóa vận chuyển qua Nhà ga T1 được quản lý không tốt sẽ tạo cơ hội cho các đối tượng đưa hàng vào nội địa. Đây là cái khó trong công tác quản lý hải quan. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát hàng hóa và tàu bay của Hải quan đang tồn tại nhiều bất cập. Do hiện nay khi hành khách vừa xuống hết tàu bay, cán bộ cơ quan Hải quan vào giám sát trong tàu bay, cùng lúc lực lượng vệ sinh, thợ máy cũng vào trong tàu để thực hiện công việc, điều này làm cho công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan gặp khó khăn.
Chính vì vậy, hiện nay, Tổng cục Hải quan đang đề nghị Cục Hàng không Việt Nam bố trí mặt bằng, vị trí phòng làm thủ tục niêm phong kẹp chì đối với hàng hóa từ máy bay chờ khách nhập cảnh xuống kho hàng quốc tế và đối chiếu niêm phong kẹp chì từ kho hàng quốc tế lên máy bay xuất cảnh; làm thủ tục giám sát các bộ phận phục vụ lên tàu bay nhập cảnh, xuất cảnh (lực lượng vệ sinh, thợ máy, cung cấp suất ăn…) tại 2 cổng ra vào phương tiện tại nhà ga T2 Nội Bài. Đồng thời, quy định cụ thể lực lượng vệ sinh, thợ máy chỉ được vào tàu làm nhiệm vụ sau khi hành khách, phi hành đoàn đã rời tàu và cơ quan Hải quan đã thực hiện xong nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước tại sân bay quốc tế Nội Bài cũng cần được quy định rõ. Theo Tổng cục Hải quan, việc phối hợp hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước tại cảng Hàng không sân bay dân dụng đã được Chính phủ quy định tại Nghị định 28/1997/NĐ-CP, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn thực hiện để thống nhất nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước.
Một vấn đề cần sớm có phương án hợp lý nữa là quản lý hoạt động bán hàng tại khu vực cách ly. Theo Cục Hải quan Hà Nội, hiện nay, thực hiện quy định tại Điều 3 Thông tư 149/2010/TT-BTC, thương nhân bán hàng tại khu cách ly không phải làm thủ tục hải quan đối với các mặt hàng này khi đưa vào, đưa ra khu vực cách ly để bán cho khách xuất cảnh, quá cảnh… cơ quan Hải quan kiểm tra nội dung báo cáo hàng hóa, dịch vụ hàng tháng để thực hiện xác nhận thực xuất cho thương nhân bán hàng tại khu cách ly. Quy định này tiềm ẩn nhiều rủi ro do cơ quan Hải quan không làm thủ tục cho hàng hóa, không giám sát hàng khi đưa hàng vào khu cách ly nhưng lại phải xác nhận thực xuất trên cơ sở báo cáo của DN. DN có thể lợi dụng để được xác nhận thực xuất không đúng với thực tế hàng hóa XK.
Để đảm bảo quản lý đúng đối tượng hàng hóa, dịch vụ mà các DN cung cấp, bán hàng tại khu cách ly được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% theo quy định tại Thông tư 149/2010/TT-BTC, nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát hải quan tại khu cách ly, Cục Hải quan Hà Nội đang đề xuất quy định cụ thể trách nhiệm, điều kiện của DN khi kinh doanh, bán hàng trong khu cách ly và Quy chế quản lý, soi chiếu, giám sát, kiểm tra đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra cửa hàng miễn thuế và các DN kinh doanh trong khu vực cách ly.
Theo đó, phương án quản lý mà Hải quan Hà Nội đưa ra là trước khi kinh doanh hàng hóa dịch vụ trong khu vực cách ly, thương nhân phải gửi cho cơ quan Hải quan nơi quản lý bộ hồ sơ xác nhận đủ điều kiện kinh doanh; lập bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ hàng ngày. Khi DN mang hàng vào hoặc ra khỏi khu vực cách ly phải thông báo cho cơ quan Hải quan và an ninh hàng không để tiến hành kiểm tra qua máy soi. Tất cả hàng hóa mang ra, vào trong khu vực cách ly phải được soi chiếu bằng máy soi 100%, nhân viên Hải quan và an ninh hàng không có thể kiểm tra thực tế hàng hóa khi có nghi vấn.
Về quy chế soi chiếu, giám sát, kiểm tra đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra cửa hàng miễn thuế của DN kinh doanh trong khu cách ly, cơ quan Hải quan thực hiện soi chiếu chung với cơ quan An ninh hàng không. Sau khi soi chiếu qua máy soi, căn cứ vào phiếu xuất kho hàng hóa được đưa vào khu vực bán hàng tại khu cách ly theo đúng hành trình quy định và chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan. Ngoài ra, phần mềm máy tính quản lý hoạt động kinh doanh của mỗi DN hiện đang khác nhau, chính vì vậy cần có quy định cụ thể về các tiêu chí phần mềm máy tính nối mạng của DN với cơ quan Hải quan để công tác quản lý của cơ quan Hải quan thống nhất và có hiệu quả.
Đặc biệt, theo Hải quan Hà Nội, để đảm bảo yêu cầu quản lý đối với hoạt động kinh doanh bán hàng tại khu cách ly, việc quy định cụ thể về mở tờ khai đối với loại hình này là cần thiết.