Ở Hà Nội, VFF đứng ra đăng cai vòng loại giải U16 nữ châu Á khu vực Đông Nam Á. Bóng đá nữ Việt Nam luôn chịu nhiều thiệt thòi nhưng lại mang đến cho người hâm mộ cảm xúc đặc biệt. Họ thường xuyên bước lên ngôi Hậu và khác hẳn với bóng đá nam mãi hát khúc ca về nhì. Mới đây, dù thua trước Thái Lan ở chấm 11m giải vô địch Đông Nam Á, nhưng các nữ cầu thủ đã bật khóc khi về đến sân bay bởi quá xúc động. Họ được đón tiếp như những người hùng và tiền thưởng vượt khung đã được dành cho các nữ tuyển thủ.
Nhiều người đã tin, với sự thất vọng dành cho bóng đá nam và thành tích quá tốt ở đấu trường quốc tế sẽ giúp cho bóng đá nữ nhận được nhiều quan tâm hơn. Nhưng, sự thật không phải thế. Giải nữ quốc gia diễn ra trong sự tĩnh lặng. Mỗi trận đấu có vài ba chục khán giả đến sân dù Ban tổ chức giải miễn phí vào sân, chọn giờ đẹp để tổ chức các trận đấu. Truyền thông về giải cũng được đẩy mạnh và thông tin về các trận đấu xuất hiện trên khắp các mặt báo. Thế nhưng, điều mà các nữ cầu thủ thu được chỉ là bát nước nguội từ dư luận sau khi được đun nóng ở thời gian quá ngắn. Và trên mạng xã hội, người ta vẫn thấy nhan nhản những lời kêu gọi phải dành những điều kiện tốt nhất cho bóng đá nữ. Rồi, các cơ quan quản lí phải xóa bỏ sự mất cân bằng về đầu tư giữa bóng đá nam và bóng đá nữ. Chứng kiến cảnh bóng đá nữ không được quan tâm dù những lời có cánh dành cho họ luôn vô khối, nhiều cầu thủ chỉ biết cười nụ. Họ tâm sự là khán giả có đến hay không thì vẫn phải đá, đá để kiếm cơm và chờ đợi vào sự thay đổi từ dư luận về sân chơi của mình. Vâng, bóng đá nữ luôn nhận được thiện cảm từ dư luận và bao năm nay vẫn vậy. Nhưng, bóng đá nữ cần sự quan tâm thực chất chứ không phải những lời thương vay theo phong trào và cả quan niệm quen thuộc: “Yêu nhau lên mạng mà yêu” chứ đến sân thì đừng.