Thông tin cập nhật mới nhất từ Sở Y tế Hà Nội tính đến 12 giờ trưa ngày 6/2, hiện trên địa bàn TP chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm viêm phổi cấp do nCoV.
Tính từ khi dịch bùng phát đến nay, tại Hà Nội đã có 42 trường hợp nghi nhiễm virus nCoV. Trong đó, có 1 trường hợp mới nghi ngờ mắc Corona tại quận Hoàn Kiếm. Tuy nhiên đến thời điểm này, 38 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Hiện tại, chỉ còn 4 ca nghi nhiễm vẫn đang được tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ.
Ngoài ra, toàn TP còn có 25 trường hợp tiếp xúc gần với những người nghi mắc corona và 699 người đến từ vùng dịch được giám sát y tế.
* Cùng ngày, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh/TP trực thuộc T.Ư khuyến cáo phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV).
Để chủ động phòng chống dịch và hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe, an toàn vệ sinh lao động, Bộ Y tế đã xây dựng khuyến cáo phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại nơi làm việc và đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo các cơ sở lao động trực thuộc nghiêm túc triển khai thực hiện. Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Sở Lao động Thương binh và xã hội tổ chức phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở lao động triển khai và bố trí nguồn lực để thực hiện.
Chỉ đạo các cơ sở lao động trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các nội dung khuyến cáo; kiểm tra, giám sát việc thực hiện và kịp thời thông tin, phản ánh các khó khăn, vướng mắc về Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế).
1. Thông tin chung về bệnh
- Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A.
- Người mắc bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính: sốt, ho, khó thở, có trường hợp viêm phổi nặng, có thể gây suy hô hấp cấp và nguy cơ tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh lý mạn tính.
- Một số người nhiễm vi rút nCoV có thể có biểu hiện lâm sàng nhẹ, không rõ triệu chứng nên gây khó khăn cho việc phát hiện.
- Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh.
2. Khuyến cáo đối với người lao động
- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây. Trong trường hợp không có xà phòng và nước sạch thì dùng các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn).
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng;
- Che kín miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp ra không khí. Giặt sạch khăn hoặc bỏ ngay khăn giấy vào thùng rác sau khi sử dụng và rửa sạch tay.
- Duy trì thói quen tốt cho sức khỏe như tập thể dục giữa ca làm việc, tích cực vận động cơ thể, ăn uống hợp vệ sinh, đủ chất, giữ ấm mũi họng, nâng cao thể trạng;
- Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở), trong trường hợp cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc;
- Nếu thấy bản thân hoặc người dùng làm việc có các biểu hiện sốt, ho, khó thở… thì cần thông báo cho người sử dụng lao động, người làm công tác y tế tại cơ sở lao động để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.
3. Khuyến cáo với người sử dụng lao động
- Bố trí chỗ rửa tay bằng nước sạch với xà phòng hoặc cung cấp các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn);
- Duy trì vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên lau nền nhà và khử trùng các bề mặt các đồ vật tại nơi làm việc có thể có chứa vi rút như tay nắm cửa, nút bấm thang máy, điện thoại dùng chung, bàn phím máy tính, mặt bàn,… bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác.
- Đảm bảo thông gió tốt, tăng cường thông gió tự nhiên tại nơi làm việc.
- Có quy định và hướng dẫn người lao động cách tự bảo vệ, thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của Bộ Y tế khi có các dấu hiệu mắc bệnh hoặc tiếp xúc với người nghi mắc bệnh. Có cơ chế cho phép người lao động làm việc tại nhà hoặc bố trí ca làm việc linh động đối với những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh (nếu được);
- Các cơ sở lao động có bộ phận tiếp tân, hàng không, hải quan, ngân hàng, ngành dịch vụ,… tiếp xúc với nhiều người cần cung cấp và hướng dẫn sử dụng khẩu trang đúng cách cho người lao động và cân nhắc lắp đặt hệ thống kính ngăn tại các khu vực tiếp xúc, giao dịch;
- Khi có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần cách ly ngay đồng thời thông báo cho cơ quan y tế địa phương (thông qua đường dây nóng 1900 3228 hoặc 1900 9095).