Chiều 30/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội họp toàn thể nghe trình bày báo cáo của Chính phủ, báo cáo kiểm toán và báo cáo thẩm tra về Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022.
Xử lý 1.382 tổ chức và 2.236 cá nhân vi phạm trong quản lý sử dụng NSNN
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phước cho biết, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác quản lý thu NSNN được thực hiện quyết liệt dẫn đến kết quả thu NSNN không những bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân (chưa được tính trong dự toán) mà còn vượt so với dự toán. Qua đó bảo đảm nguồn lực, tăng chi đầu tư phát triển; thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Đồng thời, tiếp tục tích lũy dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.
Đáng chú ý, thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, trong đó có Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành các chính sách miễn, giảm gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã hỗ trợ trực tiếp giúp các doanh nghiệp giảm các nghĩa vụ tài chính, gia tăng thanh khoản, giảm chi phí giá vốn, vượt qua khó khăn, duy trì, ổn định, mở rộng sản xuất kinh doanh, đóng góp vào quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế.
Về thực hiện Nghị quyết số 91/2023/QH15 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/6/2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính, NSNN. Qua đó, các bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quản lý sử dụng NSNN.
Trong năm 2022, đã xử lý 1.382 tổ chức và 2.236 cá nhân. Việc kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong việc để xảy ra sai phạm về quản lý NSNN đã được thực hiện theo kết luận kiểm toán, thanh tra.
Về thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN, Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, sau 3 năm tổ chức thực hiện cơ quan quản lý thuế đã thực hiện khoanh nợ đối với 704.431 người nộp thuế với tổng số tiền thuế nợ được khoanh là 28.380 tỷ đồng, trình cấp có thẩm quyền thực hiện xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với 389.838 người nộp thuế với tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa là 8.770 tỷ đồng.
Trên cơ sở các nội dung đã báo cáo và đề xuất nêu trên, Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022 gồm: Tổng số thu cân đối NSNN là 2.713.787 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối NSNN là 2.897.466 tỷ đồng, trong đó chi NSNN theo dự toán là 1.750.790 tỷ đồng, chi chuyển nguồn sang năm 2023 là 1.146.676 tỷ đồng. Bội chi NSNN là 293.313 tỷ đồng. Tổng mức vay của NSNN là 488.406 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế
Trình bày Báo cáo Kiểm toán quyết toán NSNN năm 2022, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, Kiểm toán Nhà nước thống nhất với số liệu quyết toán NSNN năm 2022 do Chính phủ trình sau khi rà soát, thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN.
Qua kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và tổng hợp một số kết quả kiểm toán chính của các cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2023, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu giảm chi NSNN 21.346,33 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 28.595,09 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế, ban hành mới một số nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn của 198 văn bản.
Đánh giá về chi chuyển nguồn, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, tổng chi chuyển nguồn trong năm 2022 là 1.146.676 tỷ đồng, chi chuyển nguồn tiếp tục tăng cao cả về số tương đối (tăng 47,7%) và số tuyệt đối (tăng 370.325 tỷ đồng) so với năm 2021. Trong đó, một số địa phương chuyển nguồn kinh phí không phù hợp quy định 11.785,98 tỷ đồng; 10/60 địa phương chuyển thiếu 12.665,25 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương năm 2022 sang 2023; một số địa phương thực hiện chi chuyển nguồn chưa đủ thủ tục.
Nghiêm túc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh ghi nhận, với sự quyết liệt chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về tài chính, NSNN của Chính phủ, việc quản lý thu, chi NSNN được tăng cường, đạt được nhiều kết quả tích cực…
Bên cạnh các kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra còn nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm tại các bộ, ngành, địa phương trong việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2022 chưa được xử lý dứt điểm.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính; làm rõ nguyên nhân, lý do việc các tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm quy trình lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2022, số liệu quyết toán thu, chi, bội chi NSNN điều chỉnh lớn sau thời gian chỉnh lý quyết toán NSNN; đề xuất sửa đổi các Luật có liên quan để rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hàng năm...
Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất và đánh giá cao kết quả thu NSNN năm 2022 được quyết toán là 1.820.310 tỷ đồng, tăng 406.902 tỷ đồng (tăng 28,8%) so với dự toán. Tuy nhiên, số quyết toán chi NSNN năm 2022 giảm khá nhiều so với dự toán và giảm lớn so với số Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 quyết toán (số quyết toán chi là 1.750.790 tỷ đồng, bằng 94,3% dự toán, thấp hơn dự toán 104.851 tỷ đồng)…
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đưa ra đánh giá cụ thể và đề nghị đối với việc thực hiện Nghị quyết số 91/2023/QH15 về quyết toán NSNN năm 2021; Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không có khả năng nộp NSNN và tình hình xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt năm 2022 theo quy định tại khoản 5 Điều 87 Luật Quản lý thuế.
Trên cơ sở phân tích về quyết toán NSNN năm 2022 và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022 theo đề xuất của Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước.