Sáng 29/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; và nhiều nội dung quan trọng khác.
Khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) bày tỏ nhất trí với những đánh giá về những kết quả đạt được của nước ta trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và những nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành. Nhân dân và cử tri nhận thấy rất rõ hoạt động tích cực, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ cả về đối nội và đối ngoại.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, còn có tồn tại, hạn chế nhưng chưa có giải pháp quyết liệt. Đó là tình trạng ngần ngại ra các quyết định theo thẩm quyền, tình trạng đùn đẩy, trì hoãn phê duyệt các dự án, các loại giấy phép; tình trạng chậm trả lời các câu hỏi, chậm ban hành các hướng dẫn, chậm giải quyết những khiếu nại, ách tắc của người dân và doanh nghiệp. Tình trạng này làm ảnh hưởng đến đầu tư công và đầu tư xã hội, đình đốn trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Hoan nghênh Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tuy nhiên theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, quy định này là chưa đủ. Do đó, đại biểu đề nghị cần có những hướng dẫn cụ thể hơn, rõ ràng hơn thì cán bộ, công chức các cấp, các ngành mới yên tâm thực thi công vụ.
Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cần có chỉ đạo ban hành Thông tư liên bộ về hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Thông tư này cần hướng dẫn cụ thể đồng thời cần sâu sát với tâm tư, những bức xúc của cán bộ, có như vậy cán bộ, công chức mới an tâm ban hành các quyết định hành chính.
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu
Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn tỉnh Lai Châu) đề nghị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch; hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực; đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Trong đó, tập trung triển khai nghiêm túc Nghị định 73/2023/NĐ-CP và các Chỉ thị của Thủ tướng đã ban hành về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Trong khi đó, theo đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn tỉnh Kon Tum), cần có cơ chế khuyến khích người đứng đầu các địa phương dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; chủ động nỗ lực hết mình để có chính sách, cách làm phù hợp, đột phá, giúp địa phương mình phát triển đi lên cùng đất nước.
Có cơ chế, chính sách thu hút người hoạt động trong lĩnh vực văn hoá
Bày tỏ quan tâm tới lĩnh vực văn hoá, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn tỉnh Lạng Sơn) kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế, chính sách và có giải pháp đối với đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên đã hết tuổi nghề, nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ đối với người làm trong lĩnh vực này.
Từ đó có thể góp phần nâng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa đáp ứng tốt hơn, đối với yêu cầu ngày càng cao về hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của mỗi người dân, người nghệ sĩ, diễn viên.
Đồng thời, tiếp tục điều chỉnh, nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng, đối với người làm trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, sớm xây dựng, ban hành định mức tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật, tính giá các loại dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.