Chạy theo số lượngDự thảo đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đại học (ĐH) và các trường cao đẳng (CĐ) đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT giai đoạn 2018 – 2025, tầm nhìn 2030” đặt ra mục tiêu đào tạo giảng viên có trình độ TS đạt 35%. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ GD&ĐT sẽ chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 TS.
Trước thông tin này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam lo ngại: "Nếu đào tạo TS mà không chất lượng chỉ tốn tiền. Chương trình mục tiêu đào tạo 20.000 TS theo Đề án 911 đã “đẻ” ra đa phần “TS giấy”. Với thực tế này, Bộ GD&ĐT có nên đi theo con đường cũ?”.
|
Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ trong giai đoạn 2018 - 2025. Ảnh: Thủy Trúc |
PGS Trần Xuân Nhĩ cũng bày tỏ quan điểm đào tạo những người có bằng cấp và thực chất là cần thiết. Nhưng trong 8 năm đào tạo 9.000 TS là quá vội vàng, nhất là khi tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, các trường đang chuyển dần sang tự chủ. Hơn nữa, Bộ GD&ĐT còn chưa đánh giá việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực TS của Đề án 911 (đào tạo giảng viên có trình độ TS cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010 – 2020) được và mất gì. TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT đề nghị, nên có 2 thành phần khi đánh giá Đề án 911. Thứ nhất, đào tạo TS ở trong nước, những cơ sở được giao nhiệm vụ thực hiện có chất lượng ra sao. Thứ hai, đào tạo TS ở nước ngoài hiệu quả thế nào. Một điều khiến nhiều người ngạc nhiên hơn cả là trong lúc nhiều dự án được phê duyệt, khi thực hiện thường bị thiếu tiền thì Đề án 911 thừa đến 10.200 tỷ đồng. Như vậy, hoặc đề án không dự báo sát thực tế hoặc việc đào tạo không áp ứng yêu cầu.
Cân nhắc khi thực hiệnVới dự thảo đề án chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 TS, nhiều chuyên gia quan tâm đến việc thực hiện thế nào để đầu ra có chất lượng. Về việc này, ông Nhĩ bày tỏ: “Muốn đào tạo TS có chất lượng, nguồn tuyển phải đúng, tránh kiểu chạy chọt, “con ông cháu cha”. Và trong đề án phải phân ra những nhóm ngành ưu tiên đào tạo, đồng thời phải có các tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, chi tiết và nghiêm khắc trong khâu tuyển lựa nguồn". Còn theo ông Khuyến, các trường ĐH theo hướng nghiên cứu, hàn lâm sẽ cần nhiều TS, những cơ sở ĐH ứng dụng, chỉ cần kỹ sư và chuyên gia lành nghề. Đây cũng là yếu tố Bộ GD&ĐT nên cân nhắc trước khi chốt con số đào tạo 9.000 TS.
Đề án đặt mục tiêu đào tạo 2.000 TS tại các trường ĐH ở Việt Nam đã được kiểm định, ông Khuyến hết sức băn khoăn: Thời gian qua, những cơ sở ĐH trong nước được phép đào tạo TS đều qua kiểm định, nhưng chất lượng chưa như mong đợi. Mục tiêu đào tạo 5.000 TS ở các ĐH danh tiếng thế giới, khi họ trở về cần có chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc tốt để họ cống hiến.
Trước những góp ý về đề án, mong rằng Bộ GD&ĐT biết lắng nghe và thận trọng, cân nhắc khi thực hiện, tránh lãng phí tiền ngân sách mà không mang lại hiệu quả đích thực.