Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

15 ca tử vong do ngộ độc thực phẩm

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/12, theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước xảy ra 91 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.710 ca mắc, trong đó có 15 trường hợp tử vong, chủ yếu do ngộ độc rượu và ngộ độc nấm.

Cũng trong thời gian qua, Cục ATTP cũng đã thu hồi hàng trăm giấy phép, xử phạt gần 6 tỷ đồng đối với 99 DN vi phạm các quy định về ATTP.
  Đoàn liên ngành số 1 TP Hà Nội kiểm tra ATTP tại một nhà hàng trên địa bàn huyện Thanh Trì
Do vậy, để tăng cường công tác đảm bảo ATTP trong thời gian tới, từ 1/1/2019 đến hết 25/3/2019, Ban chỉ đạo liên ngành T.Ư về ATTP sẽ tăng cường tập trung thanh, kiểm tra các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và các lễ hội có yếu tố nguy cơ cao. Theo đó, Ban chỉ đạo sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ T.Ư đến cấp xã phường tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.
Đồng thời, huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân, nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ hợi và Lễ hội Xuân 2019.
Theo lãnh đạo Cục ATTP (Bộ Y tế), thời gian nghỉ Tết thường kéo dài, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước, với hàng triệu lượt khách tham dự. Đây cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu…Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu. Bên cạnh đó, thời gian này thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam thường nắng nóng gay gắt. Đây là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng ATTP.