Mục tiêu của Hội thảo "An ninh và phát triển biển: Hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm Á - Âu" là tạo ra một diễn đàn để các chuyên gia, học giả và các nhà hoạch định chính sách Châu Á và Châu Âu cùng trao đổi quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm và tham vấn về những thực tiễn tốt nhất trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, giúp họ tìm ra các chính sách đối phó hiệu quả đối với các thách thức an ninh biển truyền thống và phi truyền thống, thúc đẩy sự phát triển bền vững của các nguồn tài nguyên biển và tăng cường hệ thống quản trị đại dương toàn cầu.
Hội thảo này cũng nhằm tăng cường năng lực của quốc gia và khu vực trong việc ứng phó với các vấn đề an ninh biển và khai thác tốt nhất các nguồn tài nguyên biển để phục vụ cho các nhu cầu cụ thể của quốc gia và khu vực.
Để thực hiện các mục tiêu trên, các vấn đề biển đa dạng của Châu Á và Châu Âu sẽ được bàn luận tại hội thảo, bao gồm các thách thức an ninh biển truyền thống và phi truyền thống, việc quản lý và khai thác biển, các cơ chế quản trị và phối hợp biển đa quốc gia, vai trò của luật pháp và các biện pháp giải quyết tranh chấp.
Bruno Angelet, đại sứ, trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam (trái) và PGS. TS. Nguyễn Vũ Tùng, quyền giám đốc Học viện Ngoại giao, tại hội thảo ở Hạ Long, Quảng Ninh. |
Trong bài phát biểu khai mạc, Đại sứ Bruno Angelet - Trưởng phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam - nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ kinh nghiệm của châu Âu và châu Á trong các vấn đề an ninh biển. Đại sứ Bruno Angelet cũng khẳng định, EU cam kết thúc đẩy bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia trên thế giới, trong đó có các vấn đề biển ở châu Á. Trong khi đó, phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Đặng Đình Quý, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng nguy cơ an ninh biển ngày lớn hơn và chính vì vậy nó đe doạ nỗ lực hợp tác và lòng tin giữa các dân tộc trong bảo vệ an ninh và không gian biển hiện nay.
TS Đặng Đình Quý khẳng định: "Để giải quyết những vấn đề an ninh, đặc biệt là an ninh biển thì chúng ta cần phải có hai điều: Quyết tâm hợp tác của các quốc gia hay nói cách khác là ý chí chính trị và cơ sở để hợp tác là luật quốc tế. Nếu không có hai điều đó thì không thể làm được. Trên thực tế, từ khi UNCLOS có hiệu lực đến nay, có nhiều trường hợp, có nhiều vụ việc được giải quyết thành công bởi vì có cách hiểu, sự tôn trọng giống nhau đối với khuôn khổ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Luật Biển". Ông Quý nhấn mạnh: "Chúng ta không thể biện hộ những chuyện khác biệt, phức tạp về địa lý, lịch sử hay trình độ phát triển để lý giải cho việc diễn giải luật khác nhau, tôn trọng luật khác nhau. Luật phải là luật. Không thể diễn giải nền tảng của luật pháp quốc tế theo lợi ích của mình, đó là điều không nên". Với những công việc mà Hội thảo "An ninh và phát triển biển: Hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm Á - Âu" sẽ thực hiện, TS. Đặng Đình Quý cũng bày tỏ mong muốn Hội thảo sẽ trở thành một "Đối thoại Shangri-La" thứ 2. Hội thảo ghi nhận sự tham gia của nhiều chuyên gia pháp lý và an ninh hàng đầu của Châu Á và Châu Âu. Các học giả nổi tiếng đến từ các quốc gia Liên minh Châu Âu bao gồm GS. Erik Franckx, Thành viên Tòa Trọng tài Thường trực, Trưởng Khoa Luật quốc tế và Luật Châu Âu, Đại học Vrije, Brussels, Bỉ; TS. Sébastien Colin, Nghiên cứu viên, Phó Trưởng ban biên tập, Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của Pháp; Đại tá hải quân Michiel Hijmans, cựu Phó Đại diện quân sự thường trực của Hà Lan tại NATO và EU chịu trách nhiệm về các liên minh an ninh biển, La-Hay, Hà Lan; TS. Markus Gehring, Trung tâm Luật quốc tế Lauterpacht, Đại học Cambridge, Vương quốc Anh; và TS. Felix Heiduk, Nghiên cứu viên, Viện An ninh và Các vấn đề Quốc tế (StiftungWissenschaft und Politik), Berlin, Đức. Các chuyên gia nổi tiếng đến từ Châu Á bao gồm TS. Tetsuo Kotani, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Các vấn đề quốc tế Nhật Bản (JIIA), Tokyo, Nhật Bản, Đại tá hải quân hoàng gia Malaysia Martin A. Sebastian, Viện nghiên cứu biển Malaysia (MIMA), Kuala Lumpur, Malaysia; GS. Trương Nhân Bình (Renping Zhang), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các công ước biển quốc tế, Đại học Biển Đại Liên, Trung Quốc; GS. Dịch Hiển Hà (Sienho Yee), Chuyên gia Luật quốc tế, Viện Nghiên cứu về biên giới và đại dương và Viện Nghiên cứu Luật quốc tế, Đại học Vũ Hán, Trung Quốc; GS. Robert Beckman, Giám đốc, Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore; Ông Basilio Araujo, Trợ lý Bộ trưởng về An ninh biển, Bộ phối hợp về các vấn đề biển của Indonesia; GS. Seokwoo Lee, Giáo sư Luật quốc tế, Đại học Luật Inha và Giám đốc Trung tâm Luật biển quốc tế Inha, Hàn Quốc; TS. Raul C. Pangalangan, Thẩm phán tại Tòa án Hình sự Quốc tế, La-Hay, Hà Lan và cựu Trưởng khoa Luật, Đại học Philippines, Philippines và TS. Lập Học (Xue Li), Giám đốc Trung tâm Chiến lược Quốc tế (IWEP), Viện Kinh tế Chính trị Thế giới, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), Bắc Kinh, Trung Quốc.