Đây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức nhằm tạo cơ hội để các bên (cơ quan quản lý Nhà nước, Doanh nghiệp phân phối bán lẻ, Hợp tác xã nông nghiệp) cùng nhau trao đổi, thảo luận về: Cơ chế chính sách về Hợp tác xã và liên kết tiêu thụ sản phẩm; Xu hướng tiêu thụ sản phẩm của Big C Việt Nam; Kinh nghiệm tiêu thụ sản phẩm qua hệ thống Big C Việt Nam của một số Hợp tác xã nông nghiệp… qua đó, tiến tới hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ngày một hiệu quả hơn.
Tại Hội nghị đã có 150 đại diện HTX tham dự trao đổi về cách thức đưa hàng hóa vào Big C, trong đó có 40 đơn vị HTX đã ký kết đưa hàng vào hệ thống Big C.
Để chương trình ký kết giữa Big C Việt Nam với các HTX hiệu quả hơn nữa, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Nhu cầu kết nối nông sản là rất lớn, trong đó vai trò của HTX và DN là cầu nối quan trọng để nông dân và hộ gia đình có thể tiếp cận được với chuỗi bán lẻ Big C, thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.
Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan gian hàng ổi Mê Linh, Hà Nội.. |
Bà Phạm Thị Thùy Linh – Giám đốc thu mua miền Bắc Siêu thị Big C – cho biết: Quy trình hàng hóa vào Big C gồm 5 bước: Duyệt hồ sơ; đàm phán và ký kết hợp đồng; Big C tạo dữ liệu HTX và hàng hóa lên hệ thống; đặt hàng và giao hàng. Hồ sơ nhà cung cấp gồm: Đăng ký kinh doanh; thông báo tài khoản ngân hàng; giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm nghiệm, hồ sơ công bố chất lượng; các giấy chứng nhận khác nếu có; báo giá và hàng mẫu. Sau khi HTX cung cấp hồ sơ cho bộ phận thu mua của Big C, hồ sơ được duyệt, bộ phận thu mua sẽ đến tận HTX để kiểm tra. Nếu các sản phẩm đủ điều kiện thì Big C sẽ báo trước 2 ngày để đơn vị chuẩn bị hàng để đưa vào Big C.
Năm 2018, Big C đã tổ chức nhiều chương trình Tuần hàng quảng bá các mặt hàng nông sản cho các HTX như: Su su Nghệ An, cam Cao Phong, cà rốt Hải Dương,… Các sản phẩm được tiêu thụ tại các siêu thị Big C trên toàn quốc đã đạt được doanh số tiêu dùng ấn tượng, lên đến hàng trăm tấn mỗi chương trình. Người tiêu dùng yên tâm khi mua các sản phẩm nông sản này vì nó có nguồn gốc rõ ràng. Qua tem truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm, khách hàng có thể sử dụng điện thoại để quét mã truy xuất và nắm được thông tin xuất xứ.
Ông Nam yêu cầu, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn tổng hợp kết quả sau 3-6 tháng triển khai sau hội nghị này. Từ đó, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp với Khuyến nông xây dựng Đề án nhân rộng mô hình nhằm từng bước nâng tầm liên kết theo đúng Nghị định 98.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng các đề án, dự án hỗ trợ về cơ chế chính sách, nhất là hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo sản xuất an toàn, đặc biệt là trong xu hướng nông nghiệp hữu cơ, phát triển bền vững.
Tại Hội nghị các đại diện HTX đã chứng kiến Lễ ký kết tiêu thụ nông sản giữa Big Việt Nam với các Hợp tác xã đã đáp ứng đầy đủ những quy trình, quy chuẩn về hàng hóa để đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ hiện đại.