Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

19 DN bảo hiểm bị Cục quản lý cạnh tranh xử phạt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo phản ánh từ một số khách hàng và doanh nghiệp cùng tham gia trong lĩnh vực bảo hiểm tại Việt Nam thì 19 doanh nghiệp này đã có hành vi “bắt tay” nhau nâng phí bảo hiểm.

KTĐT - Theo phản ánh từ một số khách hàng và doanh nghiệp cùng tham gia trong lĩnh vực bảo hiểm tại Việt Nam thì 19 doanh nghiệp này đã có hành vi “bắt tay” nhau nâng phí bảo hiểm và hạn chế cạnh tranh của các doanh nghiệp khác cùng kinh doanh trên thị trường.

Theo ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, trên cơ sở kết quả điều tra của cơ quan quản lý cạnh tranh và phiên điều trần của Hội đồng cạnh tranh sáng nay (29/7) đã đi đến phán quyết, xử phạt ở mức 0,025% tổng doanh thu của năm 2007 đối với hành vi bắt tay nâng phí bảo hiểm xe cơ giới của 19 công ty bảo hiểm.

Trước đó, ngày 15/9/2008, tại hội nghị CEO các nhà bảo hiểm phi nhân thọ lần thứ 6, 15 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã ký thỏa thuận kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới, đến ngày 1/10/2008 đã có 4 doanh nghiệp nữa tiếp tục đăng ký tham gia, nâng tổng số lên 19 thành viên.

Tuy nhiên, theo phản ánh từ một số khách hàng và doanh nghiệp cùng tham gia trong lĩnh vực bảo hiểm tại Việt Nam thì 19 doanh nghiệp này đã có hành vi “bắt tay” nhau nâng phí bảo hiểm và hạn chế cạnh tranh của các doanh nghiệp khác cùng kinh doanh trên thị trường.

Sau khi nhận được phán ánh, cơ quan quản lý cạnh tranh Bộ Công thương đã ra quyết định điều tra và đi đến kết luận thông tin nâng mức phí bảo hiểm của khách hàng là hoàn toàn có thật và tại thời điểm ký kết thỏa thuận các công ty này đã vi phạm luật hạn chế cạnh tranh.

“Trong số 25 doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới thời điểm đó thì thị phần của 19 công ty trên là 99,79%.Vì thế việc 'bắt tay' là vi phạm luật hạn chế cạnh tranh,” ông Mừng cho biết.

Trong phiên điều trần sáng nay, Hôi đồng xử lý cạnh tranh cũng đưa ra phán quyết về hành vi kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới của 19 doanh nghiệp trên.

Cụ thể, tại thời điểm 19 doanh nghiệp thực hiện ký kết thì thị phần của các công ty này đã làm triệt tiêu khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp khác và vi phạm các quy định về hạn chế cạnh tranh.

“Hành vi cạnh tranh của 19 công ty bảo hiểm đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bảo hiểm xe cơ giới tại Việt Nam và có sự thỏa thuận nên không được giảm nhẹ,” ông Đinh Trung Tụng, đại diện Hội đồng xử lý cạnh tranh nhấn mạnh.

Do vậy, mức phạt mà Hội đồng xử lý cạnh tranh đưa ra cũng thống nhất với phán quyết trước đó của cơ quan Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương với mức xử phạt là 0,025% tổng doanh thu của năm 2007 (thời điểm trước khi vi phạm) đối với 19 công ty này đồng thời các công ty còn phải nộp thêm 100 triệu tiền phí giải quyết tranh chấp trong suốt thời gian xử lý.

Ngoài ra, vị đại diện Hội đồng xử lý cạnh tranh cũng cho biết: Với phán quyết này, các doanh nghiệp có 30 ngày để chuẩn bị nộp phạt và có thể khiếu nại lên các cơ quan cấp trên./.

Danh sách các công ty bảo hiểm bị cơ quan quản lý cạnh tranh tuýt còi:

1. Công ty bảo hiểm Ngân hàng phát triển nông thôn Việt Nam
2. Công ty cổ phần bảo hiểm Nhà Rồng - Bảo Long
3. Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Minh
4. Công ty liên doanh TNHH bảo hiểm Ngân hàng Công thương Việt Nam
5. Công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Tín
6. Tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt
7. Công ty bảo hiểm Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam
8. Công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội
9. Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex
10. Công ty cổ phần bảo hiểm Bưu điện
11. Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Dầu khí
12. Công ty liên doanh TNHH bảo hiểm SamSung vina
13. Công ty cổ phần bảo hiểm toàn cầu
14. Công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông
15. Công ty liên doanh bảo hiểm quốc tế Việt Nam
16. Công ty cổ phần bảo hiểm AAA
17. Công ty TNHH bảo hiểm Fubon Việt Nam
18. Công ty TNHH Tổng hợp GrouPama Việt Nam
19. Công ty cổ phần bảo hiểm hàng không Việt Nam