Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

19 năm chở “thuyền chữ” đến những mảnh đời bất hạnh

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không bảng đen, phấn trắng, bục giảng, 19 năm qua, bà giáo Hồ Hương Nam (phố An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội) luôn miệt mài, cặm cụi chở “thuyền chữ” đến với những đứa trẻ mang bệnh tự kỷ, đao, thiểu năng trí tuệ hoặc rối loạn vận động của lớp học tình thương.

 Lớp học của bà Nam không có bảng đen, phấn trắng, bục giảng, giáo án mà bà phải đến tận nơi uốn từng nét chữ một cho từng em.
Tìm đến lớp học tình thương vào một buổi sáng đẹp trời, chúng tôi được thưởng thức những giai điệu vui tươi của bài hát “Tập thể dục buổi sáng” được phát ra từ chiếc đài Cassette nhỏ khi bà giáo Hồ Hương Nam đang say sưa tập thể dục cùng những đứa trẻ khuyết tật trước giờ học. Với khuôn mặt phúc hậu, giọng nói miền Trung - đậm chất Huế, nhẹ nhàng, bà Nam chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về cái "duyên" đến với lớp học "lạ lùng" này. Là người con xứ Huế, năm 1958, bà theo chồng ra Hà Nội sống và dạy học tại trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám. Sau khi về hưu, phải xa trường, xa lớp, xa bục giảng, viên phấn, bà rất nhớ công việc giảng dạy. Nên trong quá trình làm việc sau này, khi chứng kiến các em nhỏ bị khuyết tật, bà Nam nung nấu ý định quay lại nghiệp cầm phấn, giúp đỡ trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Bà nhớ lại: “Để mở được lớp học, năm 1997, bà đã phải liên hệ, thuyết phục với các cơ quan trên địa bàn phường Yên Phụ, Ban Giám hiệu trường THCS An Dương… để đề đạt nguyện vọng”. Với tấm lòng chân thành, chính quyền và nhà trường đã tạo điều kiện, dành cho bà không gian riêng ở ngay trong khuôn viên của trường THCS An Dương. Nơi đây, tình yêu thương của bà giáo Hồ Hương Nam đã đến được với những mảnh đời con trẻ bất hạnh…
Mọi thứ dường như được xóa nhòa, cứ đều đặn, lớp học của bà được sáng đèn từ thứ Hai đầu tuần đến thứ Sáu theo đúng lịch giảng dạy của nhà trường. Để thay đổi không khí, cứ vào thứ Sáu hàng tuần, bà lại trích một khoản lương hưu của mình mua bánh mì, bim bim, kẹo, thưởng cho các em. Nhớ lại thời gian đầu, bà bảo: “Đận ấy, bà phải chịu nhiều gian truân, vất vả khi phải "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để vận động các bậc phụ huynh cho con em mình tới lớp. Không những bị đuổi, mắng thậm tệ, bà còn bị cho là “hâm”, “lẩm cẩm”… vì làm những điều hoang tưởng… Nhưng “mưa dầm, thấm lâu”, tiếng lành đồn xa, lớp học tình thương của bà từ 2 học sinh đã dần tăng lên 6 học sinh, 8 học sinh và nay là 18 em thường xuyên theo học, ở nhiều hoàn cảnh, độ tuổi khác nhau, trong đó có học sinh nhỏ nhất 15 tuổi và lớn nhất đã 37 tuổi. Lớp học tình thương này đặc biệt từ người đứng lớp đến những cô cậu học trò - cô giáo đã 85 tuổi, còn học sinh là những trẻ em bị câm điếc bẩm sinh, bị đao, liệt chân tay, thiểu năng trí tuệ… Có nhiều em đã theo lớp được 15 năm, cô giáo cho nghỉ cũng không chịu nghỉ, khi đạt tới trình độ lớp 4, 5, chữ viết cũng rất sạch đẹp. Đến nay, sau 19 năm giảng dạy ở lớp học tình thương, bà Nam đã dạy dỗ hơn 60 em nhỏ khuyết tật, công tác giảng dạy hoàn toàn miễn phí.
 Để thay đổi không khí, cứ vào thứ Sáu hàng tuần, bà lại trích một khoản lương hưu của mình mua bánh mì, bim bim, kẹo, thưởng cho các em.
Lớp học của bà Nam không có bảng đen, phấn trắng, bục giảng, giáo án mà bà phải đến tận nơi uốn từng nét chữ một cho từng em. Học sinh cũ thì bà giao bài tập, học sinh mới bà ngồi cạnh tỉ mỉ kèm cặp từ đầu. Nói về trình độ của lớp học, bà bảo: “Dạy trẻ bình thường đã khó, dạy cho những đứa trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ còn khó hơn. Với lớp học như thế này không có ngày ra trường. Cứ em nào đọc thông, viết thạo, làm Toán, cộng, trừ, nhân chia là đạt yêu cầu”. Sự kiên trì của bà đã được trả công xứng đáng bằng việc những đứa trẻ thiểu năng đã biết viết, biết đọc, có em học sinh bị liệt chân tay cũng đã biết viết… Bà Nguyễn Thị Dung (65 tuổi), trú tại 79A, đường An Dương, phường Yên Phụ là bà ngoại của bé Phương Anh (SN 2003) vui mừng chia sẻ: “Cháu Phương Anh học ở lớp bà Nam đã được 7 năm. Hiện nay, cháu đã biết viết, vệ sinh cá nhân, giúp đỡ công việc thường ngày cho bà và mẹ”.
Chứng kiến học trò của mình đổi thay và nỗ lực sống tốt hàng ngày chính là động lực giúp bà Nam vượt qua mọi gian nan và gắn bó cả cuộc đời với lớp học tình thương của mình. Xúc động và tiến bộ nhất phải kể đến anh Lưu Hồng Dương (SN 1981) bị liệt cả tứ chi, ngồi ở lớp phải được bố buộc dây vào bàn cho khỏi ngã, cho đến nay, anh đã viết chữ với bàn tay ngửa. Thật tự hào khi lớp học tình thương của bà có em đã được vào làm ở Viện C, làm ở cửa hàng hoa, nhiều em đã lập gia đình…”. Mừng đấy nhưng bà lại thấy lo, vì nếu ngày mai trời không còn cho bà đủ sức khỏe thì lớp học này sẽ như thế nào, các em sẽ ra sao, biết nhờ cậy ai đây để vun vén nét chữ?…