Tiêm cho trẻ 11 tuổi trước và hạ dần độ tuổi
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế, 63 tỉnh, thành phố sẽ bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ 5 - 11 tuổi từ tháng 4, ngay sau khi được cung ứng. Việc tiêm chủng sẽ được triển khai tại trường học và các cơ sở tiêm cố định, lưu động. Trẻ nhóm tuổi lớn từ 11 tuổi (học lớp 6) sẽ được tiêm trước và hạ dần.
Đến nay, số lượng trẻ đăng ký tiêm vaccine của 63 tỉnh, thành phố là 11.809.740. Loại vaccine được sử dụng là Pfizer và Moderna. Đây là 2 loại vaccine đã được tiêm khá nhiều trong năm 2021 dành cho mũi bổ sung và nhắc lại.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định việc tiêm vaccine Covid-19 cho nhóm trẻ này rất quan trọng. "Thời gian qua, tỷ lệ lây nhiễm ở nhóm trẻ em 5-11 tuổi khi các cháu quay trở lại trường học đã tăng lên. Phần lớn trẻ nhiễm Covid-19 có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, việc trẻ mắc Covid-19 cũng gây ảnh hưởng lớn khi phụ huynh phải nghỉ làm chăm sóc. Các trẻ liên quan cũng phải nghỉ học tại trường và học trực tuyến, tạo gánh nặng lên xã hội".
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho hay, thông qua nghiên cứu, thống kê ở quốc tế và trong nước, các biến chứng của Covid-19 ở trẻ em 5-11 tuổi cũng ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng của nhóm này. Dù tỷ lệ không lớn, các biến chứng của Covid-19 cũng rất đáng lo ngại khi trẻ có nguy cơ viêm cơ tim, viêm đa cơ quan, MIS-C…
Do đó, Bộ Y tế đã họp hội đồng tư vấn, tham khảo trên thế giới về việc sử dụng vaccine Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi. Đồng thời, Bộ Y tế cũng phối hợp với các đơn vị liên quan để khảo sát mức độ đồng thuận của phụ huynh. "Đến nay, số liệu khảo sát còn đồng nhất. Tuy nhiên, phần lớn phụ huynh có tư tưởng đồng thuận việc tiêm vaccine cho trẻ", Thứ trưởng nói.
Không tiêm trộn 2 loại vaccine
Về vấn đề có tiêm trộn 2 loại vaccine được không, PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết, không giống như người từ 18 tuổi trở lên, với trẻ em 5-12 tuổi, Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi duy nhất cùng loại vaccine, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào.
PGS.TS Hồng cũng cho biết, theo kinh nghiệm học hỏi từ thế giới và các đồng nghiệp, những phản ứng trầm trọng, bất thường sau tiêm ở trẻ 5-11 tuổi ít hơn so với trẻ từ 12 tuổi trở lên.
Các phản ứng nặng càng ít gặp hơn, tuy nhiên, lãnh đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhấn mạnh các địa phương không được chủ quan. Ba ngày đầu sau khi tiêm, trẻ nhỏ cần có người hỗ trợ suốt 24/24, tránh vận động mạnh.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc tiêm vaccine không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm ở trẻ cùng như trong cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh biến thể Omicron có tốc độ lây lan nhanh như hiện nay.
Vì vậy, phụ huynh nên cho con mình tiêm chủng để tạo miễn dịch. Mặc dù thời gia qua, số trẻ mắc tăng, số ca nặng không nhiều nhưng điều đó có nghĩa là không có ca nặng. Tại các bệnh viện trên cả nước, đã có nhiều trẻ mắc Covid-19 rất nặng dù trẻ có cơ địa bình thường.