Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

2 người chết do thiên tai, mưa lũ lịch sử nguy cơ tái diễn tại Trung Bộ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vùng áp thấp ít có khả năng mạnh thêm, tuy nhiên vẫn sẽ gây mưa lớn kéo dài tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên. Nguy cơ thiệt hại do thiên tai, đặc biệt là an toàn đê điều, hồ chứa thuỷ lợi và sản xuất nông nghiệp là rất lớn.

Áp thấp ít có khả năng mạnh thành bão
Thông tin tại cuộc họp ứng phó mưa lũ sáng 7/10, đại diện Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai cho biết, từ 19 giờ 6/10 đến 7 giờ sáng nay (7/10), các tỉnh khu vực Trung Bộ có mưa, mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến 60 - 100mm. Một số trạm có mưa lớn hơn như: Kỳ Thượng (Hà Tĩnh) 116mm, Sơn Trạch (Quảng Bình) 115mm, Hướng Linh (Quảng Trị) 157mm, Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) 128mm…
 Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia Mai Văn Khiêm thông tin tại cuộc họp sáng 7/10
Về nhận định lượng mưa những ngày tới, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, hiện vùng áp thấp đang ở cuối cấp 5 và cách đất liền khoảng 200km. Theo nhận định, vùng áp thấp ít có khả năng ít mạnh lên thành bão. Tuy nhiên, những ngày tới, mưa sẽ tiếp diễn phức tạp.
Dự kiến từ ngày 7 - 11/10, ở các tỉnh Trung Bộ tổng lượng mưa phổ biến 300 - 500mm/đợt, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 500 - 700mm/đợt; các tỉnh Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150 - 250mm/đợt. Mưa lớn kéo dài khiến nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các địa phương từ Nghệ An đến Bình Thuận và Tây Nguyên.
Nguy cơ sự cố đê điều, thiệt hại lớn về nông nghiệp
Dù vùng áp thấp hướng vào Trung Bộ, Tây Nguyên, nhưng tại khu vực phía Bắc, do ảnh hưởng của không khí lạnh, mưa cũng diễn biến phức tạp, nhất là tại Lào Cai. Theo đó, mưa lũ làm 2 người chết (ông Phàn Láo Ú, sinh năm 1983 bị lũ cuốn và cháu Phí Thị Ngọc Vy, 3 tuổi bị lũ cuốn). Ngoài ra, còn có 42 nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại; 18,2ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; sạt lở Quốc lộ 4D, đường tỉnh 151,156,156B. 
Mặc dù vậy, theo cơ quan khí tượng thuỷ văn quốc gia, trọng tâm thiên tai thời gian tới vẫn chủ yếu tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên. Đợt mưa đang diễn ra tại Trung Bộ, Tây Nguyên được nhận định sẽ rất lớn và kéo dài. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống đê điều, hồ chứa thuỷ lợi và sản xuất nông nghiệp. 
Theo thống kê, tổng chiều dài các tuyến đê từ Nghệ An đến Bình Thuận là 1.817km. Trên hệ thống đê hiện còn tồn tại 63 vị trí xung yếu, với tổng chiều dài 148,4km, và 40 công trình đê điều đang thi công. Ngoài ra, còn có 110 hồ chứa thuỷ lợi hư hỏng cần lưu ý.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên hiện có tổng diện tích nuôi thuỷ sản, hải sản khoảng 75.000ha. Cùng với đó, diện tích lúa mùa còn lại 192.000ha. Rau màu 118.000 ha. Cây cảnh gần 2 triệu cây. Tổng số gia súc, gia cầm có khả năng bị ảnh hưởng khi xảy ra mưa lũ lớn là gần 4,2 triệu con. 
Chủ động ứng phó để giảm thiểu thiệt hại
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, dù áp thấp có khả năng không mạnh lên thành bão, nhưng tạo ra đợt mưa lớn, có nơi có thể mưa đến 1.000mm.
“Năm 2017, mưa đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực Hà Tĩnh - Quảng Ngãi đã gây thiệt hại rất lớn. Do đó, nếu chủ quan, lơ là, khả năng có thể lặp lại trận mưa lũ lịch sử…” – Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn chứng và nhấn mạnh các địa phương tuyệt đối không chủ quan. 
 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu chỉ đạo cuộc họp
Để ứng phó với mưa lũ, Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã có nhiều công điện chỉ đạo. Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là bảo đảm an toàn hồ đập, đặt an toàn công trình trong tình trạng “đặc biệt, khẩn cấp cao”, nhất là 3 hồ: Tả Trạch, Ngàn Trươi, Cửa Đạt. Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) cũng cần sẵn sàng các điều kiện để vận hành tiêu thoát nước chống ngập, úng… 
Đối với nuôi trồng thuỷ sản, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) tập trung hướng dẫn người dân thu hoạch sớm, bảo vệ ao nuôi, khu nuôi nước ngọt. Khẩn trương thu hoạch lúa trên tinh thần “xanh nhà hơn già đồng”. Tính toán tiêu úng cho diện tích cây ăn trái…
Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh cần bảo đảm an toàn cho gần 6 triệu con lợn. Nếu để thiệt hại đàn lợn lớn sau trận mưa này, giá lợn có khả năng sẽ lại lên. Do đó, các trang trại lớn đủ nguồn lực tính toán để di chuyển. Chủ động các biện pháp ứng phó để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho đàn vật nuôi, nhất là đàn lợn…
Cùng với đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các bộ ngành, địa phương kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, bị chia cắt để sẵn sàng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn. Đồng thời, chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực thường xuyên có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa lũ.