Trong số 20% dân số cần TGXH có khoảng 9,4 triệu người cao tuổi (trên 10% dân số), 7 triệu người khuyết tật (7,6% dân số); trên 2,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trên 100.000 người đơn thân nghèo nuôi con; trên 200.000 người nhiễm HIV/AIDS. Thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa cũng đã dẫn đến hàng triệu hộ gia đình thiếu đói cần được hỗ trợ lương thực, thực phẩm vào các dịp giáp hạt và tết Nguyên đán.
Hiện nay cả nước có khoảng 2,643 triệu người thuộc diện TGXH đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Trong đó có 58% là người cao tuổi, ; 27,63% là người khuyết tật; 4,66% là người đơn thân nuôi con nhỏ thuộc diện nghèo, khoảng 2% trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
|
Tính theo vùng miền, cơ cấu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội cũng có sự khác biệt. Cao nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng 739.918 người chiếm tỷ trọng 27,92%; vùng Bắc Trung bộ 18,9%, thấp nhất là vùng Tây Bắc 3,1%.
Từ năm 2015, mức chuẩn trợ cấp xã hội được nâng lên 270.000 đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2010. Mặc dù mức chuẩn đã được điều chỉnh nhiều lần theo hướng tăng dần song mới chỉ đảm bảo để đối tượng mua lương thực. Đối với các nhóm đối tượng cụ thể áp dụng được các hệ số khác nhau để tính mức trợ cấp xã hội, chăm sóc hàng tháng theo hệ số 1 - 1,5 - 2 - 2,5.
Để cơ bản bảo đảm hệ thống an sinh xã hội toàn dân, dự thảo đề án Đổi mới và phát triển hệ thống TGXH, đặt ra mục tiêu, trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ có 4% dân số được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Có ít nhất 50% người cao tuổi không có người phụng dưỡng, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị buôn bán, người lang thang kiếm sống được quản lý, tư vấn chăm sóc từ các cơ sở trợ giúp xã hội.
Cùng với đó, 70% quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh có trung tâm công tác xã hội hoạt động. Đảm bảo cứ 2.000 người dân có ít nhất một nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp và 500 người dân có một nhân viên chăm sóc xã hội chuyên nghiệp.