Kinhtedothi - Trong khuôn khổ kì họp Hội nghị Hội đồng Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB) lần thứ 104 do NHNN phối hợp với IIB tổ chức chiều 4/12, IIB đã tài trợ một khoản tín dụng 20 triệu USD để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong vòng 5 năm tới.
Theo số liệu của NHNN, dư nợ cho vay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) duy trì khoảng 25% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế. Tính đến tháng 9, dư nợ tín dụng đối với khối này là 997.088 tỷ đồng, tăng 4,11% so với thời điểm năm 2014, mặt bằng lãi suất cũng giảm hiện chỉ bằng khoảng 40% nửa cuối năm 2011, thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006.
Hiện có khoảng 180.000 DNNVV đang có quan hệ tín dụng đối với các TCTD. Bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được còn tồn tại nhiều khó khăn thách thức trong việc tài trợ các DNNVV khiến cho việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các DNNVV khó khăn.
Ông Lê Ngọc Lâm, Phó tổng Giám đốc BIDV chỉ ra khó khăn từ bản thân DNNVV còn tồn tại nhiều hạn chế làm giảm khả năng tiếp cận vốn như năng lực hoạt động, tài chính của DNNVV đa phần còn yếu kém, thiếu minh bạch.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
|
Báo cáo tài chính chưa được kiểm toán, thiếu tài sản đảm bảo, thị trường tiêu thụ của các DNNVV thiếu ổn định, khả năng tiếp cận thông tin thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu của các DNNVV rất hạn chế do đó, các tổ chức tín dụng rất băn khoăn về tính ổn định của thị trường đầu ra cho các sản phẩm của DNNVV. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế còn chậm chạp, nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro, DN vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như hàng hóa tồn kho, lợi nhuận giảm… càng làm tăng khó khăn hạn chế tiếp cận tín dụng ngân hàng của DNNVV.
Chủ tịch IIB ông Nikolay Kosov cho hay, tại Việt Nam, IIB đang tích cực phối hợp xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia với Việt Nam và đã đạt được một số kết quả ban đầu. Trong 3 năm qua, IIB đã thiết lập quan hệ với hầu hết các ngân hàng thương mại của Việt Nam như: BIDV, Viettinbank, Vietcombank, HD-Bank...Chiến lược quốc gia của IIB với Việt Nam tập trung vào lĩnh vực tài trợ DNNVV thông qua cho vay các định chế tài chính/ tổ chức tín dụng lớn của Việt Nam là phù hợp với nhu cầu và ưu tiên của Việt Nam, bởi khu vực này có nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, trên cả phương diện kinh tế và vai trò xã hội trong nền kinh tế, đặc biệt trong thời gian tới, khu vực này có nhiều tiềm năng đóng góp vào quá trình toàn cầu hoá, phát triển và hợp tác kinh tế thông qua sự tham gia nhiều hơn trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia tại hội nghị, VN cần tăng cường hơn nữa các chính sách hỗ trợ tài chính từ Chính phủ đối với DNNVV, đặc biệt là sửa đổi, hoàn thiện cơ chế bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ vốn của Qũy phát triển DNNVV. Cùng đó, các bộ ngành, địa phương cần tăng cường hơn nữa chính sách trợ giúp đối với các DN ngoài hỗ trợ về lãi suất như: chính sách ưu đãi về thuế, đất đai...
IIB là tổ chức tài chính quốc tế được thành lập năm 1970 trong khuôn khổ Hội đồng Tương trợ Kinh tế (Khối SEV cũ). Các nước thành viên hiện nay của IIB gồm: Bungari, Hungari, Việt Nam, Cuba, Mông Cổ, Rumani, Nga, Séc và Slovakia. Nhiệm vụ chính của IIB là cho vay trung và dài hạn phục vụ các chương trình và dự án đầu tư tại các nước thành viên. Việt Nam gia nhập IIB năm 1977. Tính đến 1/8/2015, mức vốn điều lệ cam kết của Việt Nam tại IIB là 4,7 triệu EUR, trong đó phần vốn thực góp của Việt Nam tại IIB là 3,67 triệu EUR, tương đương 1,21% tổng vốn điều lệ thực góp của Ngân hàng. |