Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

200 lái xe đình công ở Đà Nẵng: Vấn đề nảy sinh do cơ chế

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Doanh nghiệp kinh doanh thì phải có trách nhiệm thực hiện đúng nghĩa vụ đối với người lao động là trả lương và các thỏa thuận theo hợp đồng. Không thể dựa vào việc làm ăn không có lãi mà chây ì trách nhiệm, nợ lương người lao động”.

Đó chính là khẳng định của ông Trần Viết Hòe – Nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng, xung quanh sự việc những ngày gần đây, dư luận Đà Nẵng đang “nóng” về câu chuyện 200 lái xe, phụ xe phục vụ trên 5 tuyến xe buýt trợ giá của Chi nhánh II, Cty CP Công nghiệp Quảng An 1 đình công do Cty này chậm trả tiền lương.

Vấn đề nảy sinh do cơ chế

Theo Thông cáo báo chí của Sở GTVT Đà Nẵng, sáng 01/12/2017, tại điểm tập kết xe của hệ thống xe buýt trợ giá Đà Nẵng dưới chân cầu Thuận Phước (thuộc Phường Thuận Phước, Quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt (Người lao động) của 05 tuyến xe buýt trợ giá của Chi nhánh II - Công ty Cổ phần Công nghiệp Quảng An I (Công ty) tại Đà Nẵng đã tạm ngừng làm việc do Công ty chậm trả lương tháng 10/2017 cho người lao động.
 200 lái xe, phụ xe buýt đình công trong ngày 1/12. Ảnh: Huy Hoàng
Sau khi nhận được thông tin, Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) cùng các ngành liên quan của TP thành phố đã trực tiếp đến tại hiện trường để giải quyết sự việc, đồng thời yêu cầu Công ty thanh toán ngay tiền lương tháng 10/2017 cho người lao động.

05 tuyến xe buýt có trợ giá này đã đi vào hoạt động từ tháng 10/2016 đến nay. Tuy nhiên do chưa hình thành thói quen đi lại bằng xe buýt và hệ thống chưa bao phủ trong toàn mạng lưới giao thông thành phố nên doanh thu xe buýt trong thời gian qua chưa đạt được theo kế hoạch đề ra. Đây được xem là một trong những nguyên chính dẫn đến việc Cty Quảng An 1 chậm trễ trả tiền lương cho người lao động, dẫn đến xảy ra sự việc đình công.

Trao đổi về vấn đề này ông Trần Viết Hòe - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng cho rằng, Về mặt xã hội, đây là một loại hình phúc lợi công cộng, trước hết phải xem đây là một dịch vụ công ích chứ không phải là hoạt động kinh doanh thuần túy, mà công ích thì cơ quan Nhà nước sẽ phải bỏ tiền bù lỗ trong thời gian đầu vận hành, khi mà hoạt động ổn định, khi cân đối thu chi có lãi thì mới cho xã hội hóa.

Trong khi TP Đà Nẵng muốn cho dịch vụ này hình thành để giải quyết vấn đề xã hội, nhưng ngay từ lúc bắt đầu triển khai đến khi đưa vào thực hiện TP lại đưa doanh nghiệp vào làm cùng. Như vậy, vấn đề này bị nảy sinh do cơ chế, phía chính quyền vội vàng chuyển giao cho doanh nghiệp khai thác thực hiện; trong khi doanh nghiệp hoạt động thì cần phải có lợi ích về kinh tế nên xảy ra sự việc này.

Doanh nghiệp phải sòng phẳng

Theo ông Trần Viết Hòe, phát triển hệ thống vận tải công cộng bằng xe buýt là việc phải làm để đáp ứng nhu cầu đi lại tại đô thị và giảm thiểu được tình trạng ách tắc giao thông. Nhưng khi đưa một mô hình mới vào hoạt động thì cũng phải đảm bảo tính chuyên nghiệp, tính chuyên nghiệp ở đây chính là thời gian (time line) trong quá trình vận hành. Hành khách đi xe buýt đều có kế hoạch về giờ giấc, khi nào và bao nhiêu thời gian đến được điểm mình cần đến... như vậy phải có một có quy định chặt chẽ về thời gian cho xe buýt để việc đi lại được đúng giờ, để tạo được thói quen cho người dân, nhưng xe buýt Đà Nẵng chưa thực hiện được điều đó, dẫn đến tình trạng người dân chưa “mặn mà” với xe buýt.
 Người dân Đà Nẵng chưa mặn mà với xe buýt
Để vận hành các tuyến xe buýt trợ giá, TP Đà Nẵng đã thực hiện nhiều cơ chế ưu đãi cho cả doanh nghiệp và người dân. Về phía Doanh nghiệp khai thác, được TP đầu tư hạ tầng bến bãi để thuận tiện cho quá trình khai thác; Đối với người dân thì thực hiện giảm giá vé và miễn phí trên một số tuyến... tuy nhiên, số lượng người dân tham gia giao thông bằng xe buýt vẫn rất thấp khiến cho kế hoạch doanh thu của doanh nghiệp khai thác không đạt hiệu quả.

“Đối với doanh nghiệp kinh doanh, khi đã cam kết thực hiện thì bắt buộc phải phục vụ cho dù chỉ còn một người, cho đến khi không còn ai đi nữa thì mới được dừng lại. Hơn nữa, đã là doanh nghiệp thì kinh doanh phải sòng phẳng. Kinh doanh lãi hay lỗ là do phía doanh nghiệp phải tự hạch toán, còn chuyện doanh nghiệp thuê mướn người lao động làm việc thì phải có trách nhiệm trả công theo đúng quy định. Vì người lao động không phải là cổ đông nên không thể có chuyện khi kinh doanh có lãi thì mới chia lợi nhuận.” ông Trần Viết Hòe nói.