25 năm Internet Việt Nam: Thay đổi toàn diện đời sống, xã hội, kinh tế

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào sáng nay (7/12), Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã phối hợp tổ chức sự kiện Internet Day 2022 với nội dung chính là nhìn lại quá trình 25 phát triển của internet tại Việt Nam.

Ngày 19/11/1997 được xác định là thời điểm mở đầu trang lịch sử Internet Việt Nam. Tại thời điểm đó, ở trụ sở Tổng cục Bưu điện, thay mặt cho Ủy Ban điều phối quốc gia về Internet Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện đã tổ chức họp báo quốc tế công bố chính thức Việt Nam kết nối với mạng Internet toàn cầu, trình diễn kỹ thuật, thông báo các văn bản quy phạm pháp luật và chính sách để quản lý dịch vụ Internet tại Việt Nam.

Năm 2022 là dấu mốc kỷ niệm 25 năm Khai trương dịch vụ Internet Việt Nam, cũng là năm thứ 11 sự kiện Internet Day được tổ chức. Do đó, tại Internet Day lần này, các nội dung, chương trình, hoạt động được tập trung vào xây dựng và tích hợp từ các đề xuất và sáng kiến của cộng đồng Internet tại trong nước nhằm định hình tương lai của Internet Việt Nam trong một phần tư thế kỷ tiếp theo.

Chia sẻ tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long khẳng định, việc mở cửa và kết nối Internet ra toàn cầu là một quyết định dũng cảm, thể hiện tầm nhìn xa của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo ngành TT&TT nhằm thay đổi toàn diện đời sống, kinh tế và xã hội của Việt Nam .

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu.

Cũng chính nhờ quyết định trên, nên mặc dù mở cửa Internet chậm 7 năm so với thế giới nhưng sau 25 năm, Việt Nam đã vươn lên bắt kịp và đi cùng các nước trong khu vực và thế giới, từ đó trở thành một nước mạnh về viễn thông - Internet với công nghệ hiện đại, mức phổ cập Internet cao.

"Ở thời điểm hiện tại, Internet đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống người dân. Trở thành hạ tầng cơ bản của nền kinh tế cũng như là nhân tố quan trọng trong thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Thứ trưởng Phạm Đức Long khẳng định.

Đối với sự phát triển của Internet Việt Nam trong thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng, các nhà mạng cùng doanh nghiệp công nghệ số sẽ phải chuyển đổi nguồn lực, khai phá các thị trường mới, không gian mới để phát triển hạ tầng viễn thông và hạ tầng công nghệ thông tin. Trong đó, tập trung vào tự chủ công nghệ và bảo vệ sự an toàn cho dữ liệu.

"Chúng ta cần chủ động dẫn dắt quá trình hội tụ Internet với các ngành nghề, lĩnh vực nhằm phát triển kinh tế số, xã hội số", Thứ trưởng Phạm Đức Long kêu gọi.

Còn theo Chủ tịch VIA Vũ Hoàng Liên, hiện Việt Nam đang là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong khu vực châu Á khi đạt tới con số hơn 72 triệu. Hạ tầng băng rộng di động đã phủ sóng 99,73% số thôn trên toàn quốc cùng hệ thống cáp quang đã triển khai tới 100% các xã, phường, thị trấn, 91% thôn bản, 100% trường học.

Lãnh đạo Bộ TT&TT và doanh nghiệp cùng đưa ra cam kết vì một tương lai internet bền vững.
Lãnh đạo Bộ TT&TT và doanh nghiệp cùng đưa ra cam kết vì một tương lai internet bền vững.

"Với những ưu thế của mình, trong 25 năm qua, Internet Việt Nam đã phát triển một cách toàn diện, mang lại những cơ hội cho đời sống, xã hội, văn hóa và kinh tế. Có thể nói, sự thay đổi thần tốc của Việt Nam trong thời gian hơn 20 năm nay có vai trò cực kỳ quan trọng của Internet", ông Vũ Hoàng Liên chia sẻ.

Bên cạnh phiên toàn thể, Internet Day 2022 sẽ có các bài tham luận và tọa đàm chia sẻ về tương lai bền vững cho Hệ sinh thái Internet Việt Nam là các phiên chuyên môn thể hiện các chủ đề liên quan đến thực trạng và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong hệ sinh thái Internet, nhấn mạnh và thúc đẩy các lợi ích mà chuyển đổi số có thể mang lại cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.

Song song với đó là sự kiện ngoại giao hưởng ứng chuỗi sự kiện 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (22/12/1992 - 22/12/2022); Kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân để phát triển các ngành công nghiệp CNTT, game và metaverse ở Hàn Quốc và Việt Nam…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần