Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng” TP Hà Nội

Giáo dục học sinh ý thức sử dụng mạng internet hiệu quả, văn minh

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông qua cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng”, các nguyên tắc ứng xử trên môi trường mạng đã đến gần hơn với học sinh, giúp các con có thể tự điều chỉnh được hành vi và giáo dục ý thức sử dụng mạng internet một cách hiệu quả, văn minh.

Video clip của trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm) tuyên truyền cho người dưới 18 tuổi đạt điểm cao nhất cuộc thi.  
Video clip của trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm) tuyên truyền cho người dưới 18 tuổi đạt điểm cao nhất cuộc thi.  

Giúp học sinh có thể tự điều chỉnh được hành vi

Nhận được kế hoạch của UBND quận Nam Từ Liêm về việc tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng”, lãnh đạo trường Tiểu học Nguyễn Du nhận thấy đây là một cuộc thi thật sự cần thiết để tuyên truyền cho trẻ em dưới 18 tuổi, bởi nhận thức và sự tự điều chỉnh hành vi của trẻ còn hạn chế, dễ bị tác động bởi những nguồn thông tin sai lệch. Trường đã tổ chức họp hội đồng và phát động tới toàn thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh trong trường hưởng ứng tích cực cuộc thi.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hậu – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ban Giám hiệu kết hợp với Công đoàn, Đoàn thanh niên đã lên kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ và xây dựng kịch bản dựa trên những tình huống thực tế mà các con hay gặp phải hoặc những nội dung cần đưa ra để tuyên truyền và giáo dục ý thức cho các con. Trong quá trình thực hiện, nhà trường luôn nhận được sự ủng hộ của toàn thể các thầy cô giáo, phụ huynh và sự nhiệt huyết tham gia của học sinh. Thông qua cuộc thi, những nguyên tắc ứng xử trên môi trường mạng đã đến gần hơn với các con, giúp cho các con có thể tự điều chỉnh được hành vi và giáo dục ý thức sử dụng mạng internet một cách hiệu quả, văn minh”.

Sau kết quả chấm thi của Ban Giám khảo, Ban Tổ chức đã lựa chọn 30 video clip đạt chất lượng (16 video clip phù hợp tuyên truyền cho đối tượng người dưới 18 tuổi và 14 video clip phù hợp tuyên truyền cho đối tượng người từ 18 tuổi trở lên) để cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động, học sinh, sinh viên và Nhân dân trên địa bàn TP tham gia bình chọn. Đối với video clip phù hợp tuyên truyền cho đối tượng người dưới 18 tuổi, video clip “Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội dành cho học sinh” của trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm) nhận được tổng điểm cao nhất.

Thí điểm nhiều cách làm mới trong tuyên truyền pháp luật

Theo UBND quận Nam Từ Liêm, để triển khai Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng” được sâu rộng, hiệu quả, UBND quận đã ban hành kế hoạch, thành lập Ban Tổ chức, Ban Giám khảo cuộc thi, trong đó Phó Chủ tịch UBND quận là Trưởng ban. Quận đã tổ chức hội nghị phát động đảm bảo cán bộ, công chức và các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng tham gia đông đảo, chất lượng. Đồng thời, xây dựng chuyên mục, banner cuộc thi tại Cổng Thông tin điện tử của quận để tuyên truyền, tạo sự thuận lợi cho việc tìm hiểu, tham gia cuộc thi. Quận thường xuyên ban hành các văn bản đôn đốc, hướng dẫn; khuyến khích, giao chỉ tiêu đến từng cơ quan, đơn vị.

Để tạo sự thuận lợi cho thí sinh trong nộp bài thi, ngoài hình thức nộp trực tiếp, UBND quận tiếp nhận qua hộp thư điện tử của Ban Tổ chức. Giao các phòng, ban và các phường phát tài liệu, bố trí trang thiết bị, cử hội viên hướng dẫn, hỗ trợ cá nhân muốn ghi hình, biên tập video, tham gia bình chọn. Kết quả, toàn quận đã tiếp nhận trên 70 bài dự thi; trong đó có nhiều bài thi đạt chất lượng, điểm cao. Cuộc thi đã góp phần không nhỏ trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; đặc biệt là pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng tới đông đảo cán bộ, công chức, người lao động, học sinh, sinh viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn quận.

Để công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong thời đại công nghệ 4.0, UBND quận Nam Từ Liêm đã nghiên cứu để triển khai, thí điểm nhiều cách làm mới. Trong đó, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh phí cho ứng dụng công nghệ thông tin; quan tâm số hóa các tài liệu tuyên truyền; chỉ đạo các phòng, ngành phối hợp các phường, Ban Quản lý nhà chung cư tiếp tục tuyên truyền theo mô hình cầu thang pháp luật; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục duy trì các nhóm tuyên truyền qua các ứng dụng di động... Về lâu dài, quận sẽ nghiên cứu đầu tư xây dựng kho dữ liệu giáo dục pháp luật để người dân tra cứu kiến thức cần tìm hiểu.