Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

3 mức xét tuyển chỉ là… hình thức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, việc quyết định 3 mức điểm xét tuyển cơ bản vào ĐH là một tiêu chí để Bộ GD&ĐT làm căn cứ xếp hạng các trường.

Nhưng, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, Bộ đã làm ngược, vì 3 mức điểm này không có ý nghĩa đối với các trường ĐH top trên và giữa.

Nhiều trường không cần điểm sàn

Trước ngày Hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2014 tổ chức họp quyết định 3 mức điểm xét tuyển cơ bản, nhiều trường ĐH top đầu và giữa đã dự kiến điểm trúng tuyển cho từng ngành. Khi Bộ GD&ĐT công bố 3 mức điểm này, điểm chuẩn dự kiến của các trường trở thành chính thức. Điều này cho thấy, nhiều trường không trông chờ vào 3 mức điểm xét tuyển cơ bản của Bộ, nhất là khi điểm trúng tuyển của họ cao hơn mức 1 (mức cao nhất) vài điểm.  Cụ thể, so với mức 1 của Bộ GD&ĐT, điểm chuẩn của trường ĐH Ngoại thương cao hơn từ 5 - 9 điểm. Tương tự, điểm trúng tuyển nhiều ngành của trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cao hơn từ 1 - 6,5 điểm; ĐH Kinh tế Quốc dân cao hơn 2 - 7 điểm; ĐH Luật Hà Nội chênh lên 3 - 7 điểm… Ở khối trường top giữa, điểm trúng tuyển của nhiều trường cao hơn mức 2 của Bộ từ 1 điểm trở lên, thậm chí có một ngành điểm trúng tuyển nằm ở mức 1.

Theo GS Hoàng Văn Châu - Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương, trường không dựa vào mức điểm nào mà căn cứ vào điểm thi của thí sinh (TS) và chỉ tiêu của trường. Trong khi đó, PGS Lê Hữu Lập - nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho hay: "Với việc, mức 3 và 2 chênh nhau 1 điểm, Bộ khó có thể lấy làm căn cứ để xếp hạng các trường. Nếu chia ra 3 mức là 13 - 16 - 19 hoặc 13 - 17 - 21 để phân tầng các trường thì hợp lý hơn". Cùng quan điểm trên, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng, việc chia các mức điểm sát nhau hoàn toàn không đảm bảo sự cách biệt giữa TS giỏi và yếu.

Bộ làm ngược

Đi sâu vào phân tích 3 mức điểm cơ bản, PGS Trần Xuân Nhĩ khẳng định, Bộ GD&ĐT "hơi vô duyên"(!). Với hơn 650.000 TS đạt trên mức điểm chuẩn tối thiểu, trong khi tổng chỉ tiêu xét tuyển là 350.000 TS, cao gần gấp đôi thì chắc chắn nhiều trường không phụ thuộc điểm sàn. Hơn nữa, Bộ cũng không quy định
TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho rằng, Bộ chưa xếp hạng các trường, nhưng thực ra lâu nay, Bộ đã ngầm xếp hạng 3 loại trường: nhóm trường trọng điểm quốc gia; trường bình thường; trường địa phương mới được nâng cấp từ CĐ hay trường mới được thành lập. Quy định 3 mức điểm sàn chỉ nên áp dụng đối với các trường công lập vì được nhận ngân sách của Nhà nước, còn các trường ngoài công lập, việc tự đặt ra mức nào là quyền của họ.
trường nào phải lấy mức mấy điểm, nên họ được quyền lấy từ mức điểm tối thiểu trở lên. Lấy 3 mức điểm xét tuyển là cách thức để Bộ xếp hạng các trường dễ dàng nhất. Thực tế, có những trường ĐH đa ngành lấy điểm ở mức 3, nhưng một vài ngành được rất nhiều TS đăng ký nên điểm trúng tuyển cao hơn mức 2 vài điểm. Hay, có trường rất nhiều ngành lấy mức 1, nhưng vài ngành không "hot" phải lấy mức 2. Như thế, Bộ sẽ phân hạng các trường ấy ở mức nào? 

Nhiều chuyên gia cho biết, Bộ GD&ĐT căn cứ vào việc các trường chọn mức điểm để phân tầng là quan niệm rất sai, cách làm ngược. Các nước trên thế giới xếp hạng trường rồi mới quy định trường ở tầng nào thì được phép lấy điểm ở tầng đó để xét tuyển. Việc phân tầng trường ĐH thường dựa vào đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy, uy tín của trường trong xã hội, việc làm của SV khi ra trường. PGS Trần Xuân Nhĩ hy vọng, sang năm 2015, khi các trường ĐH đã được phân tầng, từ kết quả kỳ thi chung phổ thông quốc gia, Bộ định ra điểm số cho từng hạng trường. Tất nhiên, việc ra đề thi phải giải quyết được số TS đỗ nhiều hơn tổng chỉ tiêu chung của các trường vài chục phần trăm. Như thế, các trường dư nguồn tuyển và giải quyết được bài toán phân luồng sau THPT. Còn nếu, tỷ lệ đỗ lên tới 90%, thậm chí 100% thì không là kỳ thi quốc gia nữa.