Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

3 năm chỉ có 1 trường hợp phúc thẩm tuyên bị cáo không phạm tội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 13/3, Chánh án TAND tối cao Trương Hoà Bình đã trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội quanh vấn đề oan sai trong tố tụng hình sự.

Báo cáo UBTV Quốc hội trước phần trả lời trực tiếp, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cho biết: Từ năm 2011 đến nay, tỷ lệ các bản án, quyết định hình sự bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án thời gian qua luôn ở mức thấp và giảm so với các năm trước.

Chánh án Trương Hoà Bình dẫn số liệu thống kê chứng minh, trong các năm 2011-2014, tỷ lệ án hình sự bị huỷ, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán lần lượt là: 0,8% (năm 2011), 0,6% (năm 2012), 0,7% (năm 2013) và 0,6% (năm 2014). Với án dân sự, án hành chính, tỷ lệ này cao hơn (2 và 6%). Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đã hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội.

 
Chánh án TAND tối cao Trương Hoà Bình trả lời chất vấn tại phiên họp.
Chánh án TAND tối cao Trương Hoà Bình trả lời chất vấn tại phiên họp.
Trong 3 năm (2012 – 2014) chỉ có 1 trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và tuyên bố bị cáo không phạm tội. Ngoài ra, có 6 trường hợp toà cấp sơ thẩm tuyên bị cáo phạm tội, toà phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại và sau đó cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án.

Ông Trương Hoà Bình cũng cho biết: Trong năm 2014, TAND tối cao đã xem xét một số vụ án xét xử từ nhiệm kỳ trước, mà bị cáo có đơn kêu oan như vụ án Lê Bá Mai tại Bình Phước bị xét xử về các tội “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em”; vụ án Hồ Duy Hải tại Long An bị xét xử về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản”; vụ án Huỳnh Văn Nén tại Bình Thuận bị xét xử về các tội “Giết người”, “Cố ý hủy hoại tài sản” và “Cướp tài sản”; vụ án Nguyễn Văn Chưởng tại Hải Phòng bị xét xử về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản”…

Đưa ra vụ án Hồ Duy Hải tại Long An, ĐB Đỗ Văn Đương đặt vấn đề: Tại sao khi Chủ tịch nước bác đơn giảm án và chính bị cáo Hồ Duy Hải có đơn yêu cầu thi hành án nhưng vụ việc vẫn kéo dài?. Chánh án Trương Hòa Bình cho biết: Vụ việc đang được xem xét một cách thận trọng để đảm bảo oan thì kết luận oan và giải oan, nếu có tội thì phải xác định rõ căn cứ buộc tội theo đúng pháp luật để không bỏ lọt tội phạm. Ông Bình cho biết: Bản án sơ thẩm kết luận có tội. Sang bản án phúc thẩm bị cáo có phần nói không phạm tội nhưng cơ sở chứng minh không chắc. Việc kiểm tra sau đó khẳng định quá trình điều tra vụ án này có thiếu sót nhưng không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án, nên tòa tuyên tử hình. Chủ tịch nước cũng có quyết định bác đơn đề nghị giảm án của bị cáo. Việc có oan hay không phải căn cứ người có thẩm quyền có kháng nghị hay không, Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao khi đưa ra xét xử mới khẳng định có oan hay không oan. Hiện bản án đã có hiệu lực và chưa có căn cứ kháng nghị.

Lý giải vì sao chưa thi hành án vụ Hồ Duy Hải, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết: Ngoài vấn đề pháp lý cũng cần phải xử lý vấn đề tôn trọng nguyện vọng của gia đình bị cáo và công luận.

Giải trình thêm, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cũng cho biết: Bộ này đang phối hợp với Tòa án, Viện kiểm sát để xem xét lại vụ Hồ Duy Hải; đồng thời cho biết qua chứng cứ có thể nói Hải gây ra tội, nhưng quá trình thu thập chứng cứ cần đánh giá rõ hơn.