Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

3 nhiệm vụ trọng tâm bảo vệ môi trường Hà Nội

Ngọc Hải - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị quyết số 11 - NQ/TU của Thành ủy Hà Nội đã chỉ ra 3 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn Thủ đô đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị.
Chiều 28/7, UBND TP Hà Nội đã họp trực tuyến triển khai Kế hoạch 160/KH-UBND về "tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo". Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi Trường Nguyễn Trọng Đông  cho biết, mặc dù đã được quan tâm, đầu tư nhưng những năm qua kết quả đạt được trong công tác BVMT của Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả chưa được như mong muốn.
Theo đánh giá của Thành ủy Hà Nội, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường chưa cao, nhất là quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên, khoáng sản.
Tình trạng ô nhiêm môi trường: Nước, không khí... chưa được kiểm soát chặt chẽ, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống và sinh thái của Thủ đô. Công tác xã hội hóa lĩnh vực này cũng còn rất nhiều hạn chế.

Để nâng cao hiệu quả công tác BVMT trên địa bàn TP, Thành ủy Hà Nội đã ra Nghị quyết, xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác BVMT từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Nhiệm vụ đầu tiên là BVMT nước mặt, sử dụng bền vững tài nguyên nước, quản lý tốt các nguồn xả thải, cải tạo sông hồ bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt; kết hợp với xây dựng hồ điều hòa mới và bảo vệ kiến trúc, cảnh quan, môi trường Thủ đô.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông báo cáo tại hội nghị.
Cùng với đó là nhiệm vụ: quản lý hiệu quả chất thải rắn, nguy hại; giảm thiểu ô nhiễm không khí, tiếng ồn, đặc biệt là ở các khu vực nội thành.

Nghị quyết 11 cũng đề ra 4 giải pháp chính nhằm đạt được các mục tiêu quan trọng trong công tác BVMT. Trước hết phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về BVMT.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của Nhân dân Thủ đô về BVMT, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát môi trường; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về BVMT.

Thành ủy và UBND TP cũng xác định cần tập trung nhiều nguồn lực, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường.