Đưa tinh bột nghệ từ Bắc vào Nam
Cách đây hơn 30 năm, nghệ là một trong những cây trồng rất phổ biến ở xã Dương Xá. Bà Bé cho biết, thời ông bà, bố mẹ của bà đã gắn bó với cây nghệ tuy nhiên thời điểm đó chủ yếu làm thủ công. Do chưa có máy móc, thiết bị nên nghệ củ phải rửa bằng tay.
Trong khi sản phẩm làm ra cũng không phong phú, chủ yếu là nghệ cắt miếng. “Do phải chờ đến tháng 6 - 7 mới có nắng để phơi khô nên năng suất nhiều năm về trước khá thấp. Mỗi vụ chỉ sản xuất được khoảng 10 tấn nghệ tươi; cứ 10kg nghệ tươi thì thu được khoảng 1kg nghệ khô” – bà Bé cho hay.
Cho đến năm 1995, khi một khách hàng hỏi mua nghệ viên và hiến kế cho gia đình thử vo viên bột nghệ với bột gạo nếp pha loãng. Bố mẹ bà Bé đã làm theo và sau đó gia đình có thêm sản phẩm nghệ viên. Để đáp ứng đa dạng sản phẩm cho thị trường, đến năm 1997, bà Bé tiếp tục thử nghiệm việc xay bột nghệ tươi, sau đó lọc bã, vo viên thành tinh bột nghệ nguyên chất như ngày nay. Theo đó, cứ 15kg nghệ tươi thu được 1kg tinh bột nghệ khô.
Cùng với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm từ củ nghệ, gia đình bà Bé từng bước gây dựng thương hiệu trên thị trường. Cơ sở sản xuất tinh bột nghệ Bà Bé được thành lập và nhãn hiệu “Bột nghệ khô Bà Bé” cũng ra đời sau đó ít lâu.
Hiện, các sản phẩm nghệ Bà Bé đang được tiêu thụ khá rộng rãi tại các hiệu thuốc, cơ sở y học cổ truyền. Đến nay, có khoảng 50 cơ sở có liên kết tiêu thụ tinh bột nghệ Bà Bé. Trong đó, riêng phố Lãn Ông (quận Hoàn Kiếm) đã có hơn 20 cơ sở. Đặc biệt, sau khi thành công ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phía Bắc, gia đình tiếp tục đưa sản phẩm vào phía Nam.
Nỗ lực có thêm 8 – 10 sản phẩm OCOP
Nhờ chất lượng tốt và có uy tín trên thị trường, tinh bột nghệ của Cơ sở sản xuất tinh bột nghệ Bà Bé đã được UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, ở cấp “4 sao” (đánh giá xếp hạng cao nhất là 5 sao). Mặc dù vậy, khoảng hai năm gần đây, giá nghệ củ xuống khá thấp, bà con trồng nghệ trên địa bàn xã Dương Xá bỏ ruộng nhiều. Điều này khiến cơ sở Bà Bé có thời điểm không đủ nguyên liệu để sản xuất, phải vất vả thu mua ở các địa phương khác.
Vượt nhiều trở ngại, đến nay Cơ sở sản xuất tinh bột nghệ Bà Bé phát triển tương đối ổn định. Không chỉ có sản phẩm từ nghệ, cơ sở này còn đang tập trung phát triển các loại tinh dầu: Sả, chanh, hoa bưởi, vỏ bưởi và bạc hà. Phấn đấu năm 2020, tiếp tục có từ 8 - 10 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
Ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng Thường trực xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội cho biết, Bà Bé là một trong những cơ sở tư nhân đầu tiên có sản phẩm được công nhận OCOP. “Chất lượng tinh bột nghệ của Bà Bé cho thấy, các cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình hoàn toàn có thể tìm được cho mình một chỗ đứng trên thị trường” – ông Chí nói. Đồng thời đề nghị thời gian tới, các địa phương tiếp tục rà soát, lựa chọn, tập trung hỗ trợ đầu tư cho các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế riêng, hoàn thiện hồ sơ gửi các cấp, ban ngành TP thẩm định.