Trước đó, ngay sau khi xảy ra sự việc cá chết hàng loạt trên sông Chà Và (chảy qua địa bàn xã Long Sơn, TP Vũng Tàu), trong tháng 9/2015, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao cho Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) thống kê thiệt hại, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tiến hành thanh, kiểm tra để xác định nguyên nhân xảy ra cá chết.
Cá chết trắng bè trong tháng 9/2015 khiến nông dân ở xã Long Sơn thiệt hại hàng chục tỷ đồng
|
Theo kết luận của Viện Môi trường - Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), có 4 nguyên nhân gây ô nhiễm nước sông Chà Và, trong đó nguyên nhân chính dẫn đến cá chết hàng loạt vào tháng 9/2015 là do 14 cơ sở chế biến hải sản tại xã Tân Hải xả thải ra cống số 6, với tỷ lệ gây ô nhiễm 76,64%. Đây là cơ sở để tính toán việc bồi thường cho người dân.
Theo thống kê của Sở NN&PTNN, qua 4 đợt cá chết, người nuôi thủy sản trên sông Chà Và bị thiệt hại hơn 18,1 tỷ đồng. Dựa trên cơ sở tính toán về tỷ lệ gây ô môi trường của 14 doanh nghiệp chế biến hải sản của Viện Môi trường - Tài nguyên, Sở NN&PTNT đề nghị các DN phải bồi thường 13,8 tỷ đồng, với phương án bồi thường được chia làm 3 đợt. Tuy nhiên, qua 2 lần đối thoại với DN, việc thỏa thuận để đền bù cho người dân chưa được giải quyết. Vì vậy, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn trình tự thủ tục cho người dân để khởi kiện các DN ra tòa.
Ngoài 35 hộ dân bị thiệt hại trong vụ cá chết vào tháng 9/2015, còn có nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và bị thiệt hại những năm trước đây cũng muốn kiện các DN này. Theo Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện nay người dân đã có căn cứ pháp lý dựa trên kết quả điều tra của Viện Môi trường - Tài nguyên, việc khởi kiện sẽ rất khả quan nếu người dân thu thập đầy đủ thông tin về mức độ thiệt hại trong đợt cá chết vừa rồi.