Lễ khai trương thể hiện sự quan tâm của Việt Nam trong việc tham gia vào một xu hướng ở các nước ASEAN nhằm đạt được sự thừa nhận rộng rãi hơn các đặc tính của các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm và thủ công mỹ nghệ của mình. Trong thập kỷ vừa qua, mối quan tâm về việc nâng cao bảo hộ chỉ dẫn địa lý - một hệ thống chứng nhận đối với quy trình sản xuất nông sản và thực phẩm độc đáo của các địa phương và khu vực đã tăng lên đáng kể trên toàn thế giới, đặc biệt là ở khu vực châu Á. Hiện nay, ở khu vực ASEAN, đã có hơn 120 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ. Chỉ dẫn địa lý đang phát triển nhanh, trở thành một công cụ quan trọng đối với thương mại, phát triển nông thôn, giữ gìn bí quyết truyền thống, cũng như phát triển chuỗi giá trị, quảng bá sản phẩm và phát triển du lịch. Việt Nam đã có 38 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bao gồm chè Shan Tuyết Mộc Châu, gạo Tám Xoan Hải Hậu, quế Văn Yên... hiện đứng thứ hai trong ASEAN, sau Thái Lan với 59 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Với thời gian triển khai 3 năm và ngân sách trên 2 triệu USD, Ban quản lý Dự án sẽ phối hợp với các chủ thể liên quan ở bốn quốc gia hưởng lợi (Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam) phát triển hơn nữa sự bảo hộ và quảng bá chỉ dẫn địa lý, sự năng động và nhận thức của khu vực về chỉ dẫn địa lý. Ông Tạ Quang Minh - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh, việc sử dụng hợp lý chỉ dẫn địa lý sẽ góp phần nâng cao hơn nữa giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững cho khu vực nông thôn.