KTĐT - Trên thị trường đang diễn ra cuộc cạnh tranh giữa TV 3D của Panasonic, Samsung, Sony sử dụng kính 3D chủ động và sản phẩm của Vizio, LG với kính 3D thụ động.
Nhóm phát triển công nghệ 3D chủ động (active 3D glass) khẳng định hệ thống của họ mang đến hình ảnh độ nét cao Full HD (1080p) cho mỗi mắt, còn bên "thụ động" (passive 3D glass) tuyên bố sản phẩm của họ mang đến góc nhìn rộng hơn, kính nhẹ với chi phí rẻ hơn và loại bỏ hiện tượng nháy hình. Người tiêu dùng đang đứng trước câu hỏi không dễ trả lời: Công nghệ 3D nào tốt hơn?
Dù là thụ động hay chủ động, mục đích của TV 3D là đánh lừa bộ não tin rằng nó đang xem một hình ảnh ba chiều trên màn hình hai chiều dựa trên khái niệm về hình nổi: vì 2 mắt nằm cách nhau vài cm, con người sẽ thấy hình ảnh hơi khác nhau giữa mắt phải và mắt trái. Sự khác biệt này được não diễn giải bằng độ sâu. Nếu quan sát từ xa, hình ảnh trên 2 mắt sẽ khá giống nhau, nhưng nếu ở gần, hình ảnh sẽ rất khác. Nếu cung cấp cho mỗi mắt chỉ "một nửa" hình nổi, não sẽ thấy ảo ảnh về độ sâu.
Hình ảnh trên TV 3D chủ động bảo toàn độ nét cao (thường là Full HD) của hệ thống. Màn hình hiển thị liên tục hình ảnh của mắt phải và mắt trái nên khi quan sát bằng mắt thường, người dùng chỉ thấy hình ảnh mờ ảo và không có hiệu ứng 3D. Còn khi đeo kính, kính này sẽ tự đồng bộ với TV 3D và cho phép mắt trái chỉ nhìn ảnh trái và mắt phải chỉ nhìn ảnh phải.
Điểm mạnh của 3D chủ động là người xem có thể thấy chi tiết đầy đủ của hình ảnh ở cả hai mắt với hiệu ứng 3D chất lượng cao và chân thực. Tuy nhiên, điểm hạn chế là kính 3D tương đối đắt, lên tới vài triệu đồng (100-200 USD), và có thể xảy ra hiện tượng tiền kính còn đắt hơn tiền TV nếu người dùng muốn trang bị cho mỗi thành viên trong gia đình một chiếc kính riêng để thưởng thức bóng đá, xem phim cùng nhau.
Chưa kể, kính này khá nặng, phải dùng pin và người xem cần giữ tư thế thằng đầu (nếu lệch góc hình ảnh không còn chính xác). Đây là lý do TV 3D chủ động chưa phổ biến tại gia đình bởi người dùng muốn có cảm giác thoải mái, thay vì phải ngồi yên một chỗ và cảm thấy khó chịu bởi chiếc kính nặng nề.
TV 3D sẽ được coi là thành công nếu đến được với các hộ gia đình và công nghệ 3D thụ động đang bắt đầu làm được điều đó. Nhà sản xuất TV màn hình phẳng bổ sung tấm film FPR (Film Patterned Retarder) bên ngoài màn hình TV với mục đích phân cực để 2 mắt nhận 2 hình ảnh khác nhau.
Đây là công nghệ tương tự công nghệ được dùng trong phim 3D trình chiếu ngoài rạp. Công nghệ này cho phép kết hợp những hình ảnh riêng rẽ dành cho mắt phải và trái và được lọc lại qua cặp kính 3D, mang tới góc nhìn rộng (lên tới 178 độ) và loại bỏ hoàn toàn sự rung nhoè, sọc nhiễu và hiện tượng nháy hình cũng như giúp xem 3D không mỏi mắt.
Bên cạnh đó, kính 3D rất nhẹ, không phải dùng pin nên không có sóng điện từ ảnh hưởng đến sức khoẻ và chi phí mỗi cặp kính chỉ khoảng 10 USD nên người tiêu dùng sẽ thoải mái hơn khi quyết định sắm nhiều kính hoặc thay thế kính hỏng.
Điểm hạn chế của 3D thụ động là tấm phân cực được gắn trên màn hình nên chi tiết hình ảnh bị giảm xuống, có khi chỉ còn một nửa hoặc 1/4 (nhưng do khả năng truyền dẫn ánh sáng cao hơn, hình ảnh lại sáng hơn so với TV 3D chủ động). Với máy chiếu 3D thụ động, độ phân giải vẫn được bảo toàn trên mỗi mắt nhưng hệ thống sẽ cần được trang bị projector engine riêng biệt cho mỗi mắt nên thường đắt đỏ.
Đại diện của Panasonic thể hiện "sự thất vọng vì một số nhà sản xuất chuyển sang giải pháp thụ động, vì nó cho thấy sự đi xuống của chất lượng hình ảnh và giảm trải nghiệm với người tiêu dùng".
Ngược lại, LG tin rằng chỉ có 3D thụ động mới đem lại sự thoải mái, thuận tiện và khả năng giải trí đúng nghĩa cho người tiêu dùng. Phát biểu trong lễ ra mắt loạt TV Cinema 3D tại Việt Nam ngày 18/4, đại diện LG khẳng định họ sẽ vẫn sản xuất cả TV 3D chủ động và thụ động, nhưng tin tưởng bước phát triển của TV 3D sẽ trải qua ba giai đoạn: chủ động (giai đoạn đầu), thụ động (từ 2011) và 3D không cần kính (4-5 năm tới).
Còn với người tiêu dùng, câu hỏi họ cần đặt ra là: họ thực sự cần hình ảnh với độ chi tiết cao nhất có thể, hay họ mong muốn có được sự thoải mái và thuận tiện khi xem TV 3D với kính nhẹ và không đắt đỏ?