1. Hướng dẫn mới về ưu đãi thuế nhập khẩu Bộ Tài chính ban hành Thông tư 83/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện ưu đãi đầu tư quy định tại Luật đầu tư và Nghị định 118/2015/NĐ-CP. Theo đó, dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư quy định tại mục A Phụ lục I hoặc thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Phụ lục II Nghị định 118/2015/NĐ-CP được áp dụng ưu đãi thuế nhập khẩu như sau: Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định theo quy định tại Khoản 6, Khoản 8 Điều 12 Nghị định 87/2010/NĐ-CP.
Nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư (trừ những dự án sản xuất không được ưu đãi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ) được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 (năm) năm, kể từ ngày bắt đầu sản xuất. Ngoài ra, Thông tư 83/2016/TT-BTC còn hướng dẫn các trường hợp được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. 2. Giảm mức phạt tiền với hành vi làm mất hóa đơn Theo quy định mới tại Nghị định 49/2016/NĐ-CP thì hành vi làm mất hóa đơn sẽ chịu mức phạt tiền thấp hơn so với quy định hiện hành tại Nghị định 109/2013/NĐ-CP (từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng). Cụ thể: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu làm mất hóa đơn: + Đã phát hành nhưng chưa lập; + Đã lập nhưng khách hàng chưa nhận được hóa đơn; + Đã lập theo bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ. (Trừ trường hợp mất hóa đơn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng khác thì không bị xử phạt tiền). Ngoài ra, Nghị định còn sửa đổi một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí, lệ phí. 3. Tạm giữ giấy tờ để bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 12/2016/TT-BGTVT hướng dẫn thi hành Nghị định 132/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Theo đó, trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ và chỉ tạm giữ bản chính một trong các giấy tờ theo thứ tự sau đây cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt: Bằng hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng, chứng chỉ lái phương tiện; Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện hoặc Giấy xác nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực đối với trường hợp phương tiện thế chấp; Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện; Bằng hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của máy trưởng; Giấy tờ liên quan đến tang vật, phương tiện khác. 4. Tăng thêm công việc phải nghiêm ngặt an toàn, vệ sinh lao động Ngày 16/6/2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục gồm 17 nhóm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động tại Thông tư 13/2016/TT-BLĐTBXH. Theo đó, các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động mới được bổ sung như sau: Các công việc làm việc trên cao cách mặt bằng làm việc từ 2 mét trở lên; Chế tạo, sử dụng, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình, thiết bị, hóa chất, dung dịch dùng trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, khai thác dầu khí, các sản phẩm của dầu khí trên biển và trên đất liền; Các công việc làm việc có tiếp xúc bức xạ ion hóa; Các công việc có tiếp xúc điện từ trường tần số cao ở dải tần số từ 30 GHz tới 300 GHz.
Ảnh minh họa. |