Kinhtedothi - Chi đầu tư cho phát triển năm 2016 là 255.750 tỷ đồng nếu tính thêm phần trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho các dự án công trình đã được duyệt là 60.000 tỷ đồng, cộng thêm thu từ xổ số kiến thiết hơn 30.000 tỷ đồng thì tổng vốn đầu tư cho phát triển năm 2016 là trên 341.000 tỷ đồng và bản chất của con số 45.000 tỷ đồng chính là số tiền thật mà ngân sách T.Ư có thể sử dụng vào mục đích chi đầu tư phát triển - ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội chia sẻ với báo Kinh tế và Đô thị bên lề hành lang Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh mới đây cho biết: "Ngân sách T.Ư hiện chỉ còn 45.000 tỷ đồng" trong khi Bộ Tài chính nói là 95.000 tỷ đồng, cách hiểu nào đúng thưa ông?
- Ý kiến của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phân tích là khác. Trong tổng số 255.750 tỷ đồng đầu tư phát triển thì phần địa phương là một nửa (52% tức 131.500 tỷ đồng là chi đầu tư phát triển của NS địa phương), T.Ư còn một nửa và nếu như T.Ư phải trừ đi các khoản cố định (như chi quỹ dự trữ quốc gia, chi bù lãi suất và các khoản chi khác… ) trừ đi các khoản chi trả nợ và các phần đối ứng các dự án đầu tư nước ngoài ODA, phần còn lại Chính phủ được quyền điều hành chỉ còn lại khoảng 40.000 - 45.000 tỷ đồng sẽ khó khăn trong những dự án công trình cấp bách. Điều đó hoàn toàn không có nghĩa là chi đầu tư phát triển trong tài khóa chỉ giành 45.000 tỷ đồng cộng với ODA 50.000 tỷ đồng nữa còn 95.000 tỷ đồng là thực tế dự toán dành cho chi đầu tư phát triển như phân tích ý trên 341.000 tỷ đồng. Và cũng không phải là số tiền hiện còn của NS. Tôi xin nói con số này là như vậy. Vấn đề ở đây là và bản chất của con số 45.000 tỷ đồng là tiền thật mà ngân sách T.Ư còn lại để có thể sử dụng vào mục đích chi đầu tư phát triển.
Chi đầu tư tăng nhưng áp lực chi trả nợ cũng lớn Chính phủ có ý định phát hành 3 tỷ USD trái phiếu nước ngoài. Vậy kiểm soát thế nào để đảm bảo sử dụng 3 tỷ USD vay quốc tế chỉ để đảo nợ chứ không sử dụng vào mục tiêu khác?
- Mục tiêu sử dụng 3 tỷ USD đã có trong đề án Chính phủ trình chỉ sử dụng để đảo nợ. Quốc hội mà chấp thuận thì chỉ được sử dụng đúng như trong đề án. Liệu có khả năng thực hiện nhiệm vụ khác không, tôi cho rằng, nếu Quốc hội đã chấp thuận thì sẽ ghi trong khuôn khổ pháp lý phải thực hiện theo cái đó. Còn ai kiểm tra? Ngoài giám sát của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có nhiệm vụ thẩm quyền thì kiểm toán Nhà nước có chức năng kiểm toán hàng năm. Trong trường hợp kiểm toán toàn diện phát hiện sử dụng sai mục đích, sai quy định pháp luật thì đương nhiên bị xuất toán và phải xem xét chế tài xử phạt với người sử dụng sai nguồn lực tài chính này.
Bộ Tài chính đã vay của NHNN 32.000 tỷ đồng, trong bối cảnh khó khăn vậy có khả năng trả hay không hay tính phương án khác?
- Vay để bù đắp bội chi NSNN cũng như thực hiện các quyết định khác mà Quốc hội đã phê duyệt tổng nợ vay 2015 rất lớn là 431.000 tỷ đồng, trong đó bù đắp bội chi 226.000 tỷ đồng, phát hành TP để đầu tư 2015 là 85.000 tỷ đồng thực hiện chi đảo nợ năm 2015 là 115.000 tỷ đồng. Trong cơ cấu vay như vậy, vay trên 118.000 tỷ đồng chúng ta phải vay tạm ứng của các tổ chức tài chính Nhà nước. Để bù đắp tiến độ chi cũng như nghĩa vụ trả nợ đến hạn, Bộ Tài chính phải vay 32.000 tỷ đồng của NHNN đã nằm trong kế hoạch vay. Quy định của Luật NSNN trong trường hợp NSNN khó khăn có thể tạm ứng của NHNN và phải hoàn trả trong năm, trừ trường hợp đặc biệt phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quyết định.
Tôi cho rằng, áp lực điều hành chi NS năm 2015 hết sức khó khăn. Trong bối cảnh chúng ta khó khăn như vậy, để xử lý 32.000 tỷ đồng có thực hiện được không, tôi cho đây là vấn đề khó khăn vì phụ thuộc vào thu và điều hành NSNN có nguồn mới xử lý được nếu không sẽ phải trình Quốc hội xem xét quyết định.
Xin cảm ơn ông!