Đặc biệt số ca bệnh tăng nhanh trong hai tháng 9 và 10, xuất hiện tại 40 xã phường của 21 quận huyện. Hiện nay, bệnh sởi có xu hướng tăng trong các tuần gần đây, trung bình mỗi tuần ghi nhận 4-5 ca bệnh dương tính với sởi.
Còn theo TS Trần Như Dương - Trưởng ban Quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc, tính đến tháng 10/2017, toàn miền Bắc đã ghi nhận 99 ca bệnh sởi, chủ yếu ở Hà Nội (chiếm gần 50% số ca mắc toàn miền Bắc). Tuy số ca mắc chưa cao, không có ổ dịch lớn nhưng đáng chú ý là địa bàn phân bố ca bệnh rộng, rải rác trên nhiều địa bàn, khả năng dịch bùng phát là có thể nếu lơi là công tác phòng chống.Trước tình hình bệnh sởi đang có nguy cơ bùng phát thành dịch, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay tỷ lệ tiêm phòng vaccine sởi dù ở mức cao nhưng vẫn còn 3% chưa được tiêm nên chưa có kháng thể bảo vệ. Do đó, Bộ Y tế đang cho triển khai các đợt tiêm vét vaccine sởi để đảm bảo các trẻ trì hoãn tiêm được tiêm chủng đầy đủ phòng ngừa dịch bệnh. Tại Hà Nội, để ngăn chặn bệnh sởi bùng phát thành dịch, Sở Y tế đang phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện vệ sinh môi trường, điều tra xử lý tại cộng đồng các ca bệnh sởi đã ghi nhận. Đồng thời, hiện, các lực lượng cộng tác viên, tổ trưởng dân phố và cán bộ y tế tại Hà Nội rà soát đối tượng tiêm chủng trên địa bàn trong tháng 11/2017 (trẻ dưới 5 tuổi) để tiêm bổ sung cho trẻ bị chậm lịch tiêm. “Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện của Hà Nội tổ chức tốt việc phân tuyến, phân luồng bệnh nhân để đảm bảo công tác cấp cứu điều trị kịp thời bệnh nhân sởi và các dịch bệnh khác”, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết.Theo Cục Y tế dự phòng, sởi là bệnh lành tính, tùy từng bệnh nhân mà diễn biến nặng hay nhẹ. Trường hợp biến chứng viêm phổi nhẹ, bệnh nhân chỉ điều trị 3-5 ngày. Trẻ bị viêm phổi nặng suy hô hấp thì có thể nằm viện hai tuần. Dấu hiệu bệnh là trẻ sốt, phát ban dạng sởi bắt đầu từ mặt sau đó lan dần đến chân tay kèm theo viêm kết mạc mắt, viêm đường hô hấp. Khi đó, trẻ nên được cách ly ở nhà; chăm sóc, dinh dưỡng thật tốt; hạ sốt, nằm nơi thoáng mát, tránh gió lùa. Nếu bé sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều, có viêm phổi, suy hô hấp... nên đưa đến bệnh viện để tránh biến chứng. Phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ khi dùng kháng sinh và chỉ dùng khi có biến chứng bội nhiễm vi khuẩn.Tiêm phòng là cách hiệu quả vừa phòng bệnh cho trẻ vừa tạo miễn dịch bền vững, để khi thế hệ này trưởng thành, đến tuổi sinh đẻ có đủ miễn dịch truyền cho con.