Cơn bão số 3 tràn qua quận Hoàng Mai làm 2.762 cây đổ, bật gốc và 390 cây gãy (trong đó có 1.894 cây do quận quản lý), lụt làm 24,9 ha lúa bị ngập; 89,6 ha cây ăn quả bị hư hỏng; 12ha thủy sản bị ảnh hưởng được coi là những con số chấp nhận được. Nếu Công ty CP Xây dựng dịch vụ và Thương mại 68 làm tốt hơn công tác quản lý, cắt tỉa không để cây phượng bật gốc gây chết 1 người đi đường, 1 người bị thương (chiều 6/9) thì mọi việc trọn vẹn hơn.
5 bài học thực tế
Bài học đầu tiên đó chính là việc ngay đầu mùa mưa bão Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận Hoàng Mai xây dựng được các phương án phòng chống mưa, bão sát với thực tế. Khi cơn bão số 3 tràn vào, các cá nhân, đơn vị theo kịch bản đã được xây dựng, từ quận xuống phương, các tổ dân phố và các đơn vị phối hợp căn cứ vào nhiệm vụ được giao, tiến hành công việc.
Tiếp theo là công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thông suốt, quận chủ động nguồn tin từ Trung ương, Thành phố để triển khai xuống từng hộ dân. Kênh thông tin Zalo, Facebook, báo chí…đã kịp thời thông báo tình hình thời tiết cho người dân Hoàng Mai. UBND quận đã thành lập 7 tiểu ban và 14 tổ công tác phối hợp chặt chẽ với UBND 14 phường chỉ đạo và thực hiện công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn.
Ban Thường vụ Quận ủy phân công lịch trực 24/24, Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND quận thường xuyên có mặt tại các điểm nóng để kiểm tra, đôn đốc hiện trường. Khi tình hình thời tiết có chiều hướng xấu đi, Ban Thường vụ Quận ủy Hoàng Mai nhanh chóng quyết định lập Sở chỉ huy tiền phương ngay tại các địa bàn xung yếu để tiện việc điều hành.
Thứ ba là, quận đã chủ động trong công tác di dời dân đến địa điểm an toàn ngay trong đêm ngày 6/9/2024, UBND quận đã chỉ đạo UBND các phường và các lực lượng liên quan tiến hành rà soát, tuyên truyền và vận động di dời 98 hộ dân với 327 người ra khỏi các công trình, nhà ở có nguy cơ đổ, sập đến nơi an toàn. Đêm 10/9/2024, nắm chắc tình hình 511 hộ dân (1.690 người) tại 3 phường Trần Phú, Thanh Trì và Lĩnh Nam để sẵn sàng di dời khi nước dâng. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận đã chủ động tham mưu cho học sinh 3 trường Tiểu học Thúy Lĩnh, 2 cơ sở Mầm non Lĩnh Nam và Tiểu học Thanh Trì nghỉ học khi nước sông dâng cao.
Đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh ngoài đê sông Hồng như Công ty Cổ phần Cảng Khuyến Lương, Công ty TNHH Sông Hồng, Cảng vụ Đường thuỷ nội địa, Công ty đóng Tàu Sông Hồng và Công ty Phú Nguyên, trước khi bão tràn qua, quận cương quyết yêu cầu dừng hoạt động, di dời người ra khỏi bãi sông Hồng, thực hiện triển khai các phương án phòng chống lũ theo cấp báo động số 2.
Cuối cùng là quận Hoàng Mai đã có phương án bảo vệ các tuyến đê xung yếu, các phường ngoài đê đã sáng tạo dựng các thước đo mực nước sông Hồng, tổ chức tuần tra canh gác đê theo các phương án được duyệt. Sằn sàng các phương án huy động máy móc, phường tiện đóng các cửa khẩu đê, chuẩn bị đầy đủ quân số, công cụ dụng cụ, vật tư sẵn sàng cho việc xử lý tình huống nước lên cao.
Khen thưởng, rút kinh nghiệm
Ngay sau khi khắc phục thiệt hại của cơn bão số 3, quận Hoàng Mai đã tổ chức khen thưởng 25 tập thể xuất sắc trong công tác phòng chống bão lụt. Đồng thời quận cũng đã tổ chức, đánh giá rút kinh nghiệm công tác chỉ huy triển khai từ quận, xuống phường, các tổ dân phố.
Đồng loạt, cấp ủy, chính quyền 14 phường cũng đã tiến hành công tác khen thưởng, rút kinh nghiệm phòng chống lụt bão và khắc phục hậu quả. Hàng loạt tấm gương tốt tại các phường Hoàng Văn Thụ, Lĩnh Nam, Mai Động, Trần Phú, Thanh Trì…đã được khen thưởng, biểu dương. Điều này sẽ giúp cho địa phương hạn chế được các thiệt hại trong mùa mưa bão.