Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Hoàng Mai lập Sở Chỉ huy tiền phương chống lũ tại phường Lĩnh Nam

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 6 giờ sáng nay (11/9), mực nước sông Hồng đã vượt báo động 2. Trước tình hình lũ trên sông Hồng tiếp tục lên, quận Hoàng Mai đã đặt Sở Chỉ huy tiền phương tại phường Lĩnh Nam, ngay cạnh đê sông Hồng để chỉ huy chống lụt.

Chính quyền phường Trần Phú cùng Nhà thờ Yên Lương hỗ trợ giáo dân nơi ăn, chốn ở chống lụt. Ảnh: AT
Chính quyền phường Trần Phú cùng Nhà thờ Yên Lương hỗ trợ giáo dân nơi ăn, chốn ở chống lụt. Ảnh: AT

Từ chiều 10/9, quận Hoàng Mai đã lập Sở Chỉ huy tiền phương tại trụ sở UBND phường Lĩnh Nam, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai thay nhau trực chỉ huy tại đây.

Theo quy định, mức báo động 1 trên sông Hồng tại Hoàng Mai (Hà Nội) là 9,5m; báo động 2 là 10,5m; báo động 3 là 11,5m. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội ban bố lệnh báo động 2 tại các quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.

Thực tế từ năm 2008 đến nay sông Hồng mới vượt báo động 2, nhiều người dân trên địa bàn 4 phường Lĩnh Nam, Thanh Trì, Yên Sở, Trần Phú có xu hướng chủ quan, buộc chính quyền phải kiên trì đến từng hộ vận động, thuyết phục và cương quyết xử lý nếu cố tình trì hoãn.

Kiểm tra sức khỏe cho người dân tại nơi lưu trú dân phường Thanh Trì . Ảnh: TA
Kiểm tra sức khỏe cho người dân tại nơi lưu trú dân phường Thanh Trì . Ảnh: TA

UBND phường Thanh Trì đã chuẩn bị 5 địa điểm sinh hoạt công cộng và 4 trường học để di dời khoảng 3.600 người dân ngoài đê đến trú lụt. Các phương án hàn cửa khẩu bằng cơ giới đã được lên kế hoạch triển khai, 100% quân số cán bộ phường và phương án huy động lực lượng công an, bộ đội, thanh niên xung kích đã được chuẩn bị.

Khó khăn lớn nhất của phường Trần Phú là các hộ dân ngoài đê có hàng trăm gia súc, gia cầm. Chính quyền phải phân loại từng hộ dân, đưa ra các phương án khác nhau, trước mắt tại các địa điểm xung yếu, phường đã di chuyển hơn 300 trẻ nhỏ, người già, phụ nữ đã được di chuyển về nơi an toàn trong đêm 10/9...

Sở Chỉ huy tiền phương quận Hoàng Mai giao ban khẩn cấp lúc 23 giờ đêm 10/9/2024 khi mực nước sắp đạt báo động 2. Ảnh: TA
Sở Chỉ huy tiền phương quận Hoàng Mai giao ban khẩn cấp lúc 23 giờ đêm 10/9/2024 khi mực nước sắp đạt báo động 2. Ảnh: TA

Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam Tạ Việt Dũng chia sẻ, tối 10/9, toàn bộ 500 người dân ở khu vực ngoài bãi đều đã được phường di chuyển đến nơi an toàn. Được biết, phường có trên 12.000 người dân ngoài bãi, có tuyến đê quai, đê Bùng được cho là địa điểm xung yếu nhất quận Hoàng Mai nên ngoài việc di dân, chính quyền phải đặc biệt quan tâm đến công tác canh gác đê điều. Đây là lý do quận Hoàng Mai đặt Sở Chỉ huy tiền phương tại Lĩnh Nam. Đồng thời, quận cũng cử 5 Ủy viên Ban Thường vụ trực tiếp chỉ đạo hiện trường, ngoài ra Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai thay nhau túc trực, kiểm tra.

Suốt đêm 10/9, ngoài 2 điếm canh, phường Lĩnh Nam còn thành lập đội cơ động, 15 phút/lần đi kiểm tra đê quai, các địa điểm xung yếu trên địa bàn. Địa phương đã lập các chốt trực dã chiến để không cho dân vào khu vực được cảnh báo nguy hiểm khi nước sát báo động 2.

Thanh niên xung kích Hoàng Mai hỗ trợ bà con ngoài đê di dời tài sản. Ảnh: TA
Thanh niên xung kích Hoàng Mai hỗ trợ bà con ngoài đê di dời tài sản. Ảnh: TA

Quận Đoàn Hoàng Mai cũng đã thành lập 4 Đội Thanh niên xung kích có mặt tại 4 phường để hỗ trợ chính quyền phòng, chống lụt. Thanh niên xung kích đang là lực lượng chính di dời dân ngoài bãi phường Trần Phú đến nơi an toàn.

Ngoài ra, thanh niên cùng tham gia các điểm chốt ngoài đê, không để người dân quay lại nhà trong khi nước lũ dâng cao. Vì sự an toàn của người dân, cả hệ thống chính trị quận Hoàng Mai đã vào cuộc liên tục nhiều ngày qua, với tinh thần chủ động, đi trước một bước.