Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

5 Ban quản lý dự án chuyên ngành của Hà Nội: Gọn đầu mối, nâng hiệu quả

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 8 tháng kể từ ngày thành lập và được UBND TP Hà Nội phê duyệt cơ cấu tổ chức, bộ máy và giao nhiệm vụ cụ thể, các Ban quản lý dự án (BQLDA) chuyên ngành đã cơ bản sắp xếp xong tổ chức nhân sự, đi vào hoạt động bài bản. Đó là nhận định được đưa ra qua đợt khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP về triển khai nhiệm vụ của 5 BQLDA này.

Lộ trình phù hợp và hiệu quả
5 BQLDA chuyên ngành của TP (Dân dụng và công nghiệp; Giao thông; NN&PTNT; VHXH; Cấp nước - thoát nước và môi trường) được thành lập cuối năm 2016, trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài sản, công việc của 26 BQLDA. TP cũng đã ban hành các quyết định phê duyệt tổ chức bộ máy, tổ chức, quy trình giải quyết công việc để không ảnh hưởng đến tiến độ hoạt động của các Ban.
 Cầu cho người bộ hành, công trình thuộc Dự án tăng cường ATGT của Thủ đô. Ảnh: Quỳnh Linh 
Kết quả khảo sát về triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 và năm 2017, tại thời điểm cuối tháng 8/2017 của Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP cho thấy, tổng số cán bộ của 5 BQLDA là 984 người, trong đó có 5 công chức, 706 viên chức và 373 lao động hợp đồng. Các Ban đã đi vào hoạt động bài bản. Một số Ban đã xây dựng quy trình kiểm soát công việc trên tinh thần 5 rõ của TP, lập các tổ công tác tập trung giải quyết tồn tại, vướng mắc của công tác quyết toán… Công tác tiếp nhận hồ sơ, tài liệu liên quan đến các dự án từ chủ đầu tư cũ cũng được đánh giá là tích cực... Thống kê cho thấy, đối với 503 dự án sử dụng vốn đầu tư công, có 170 dự án đã và đang làm thủ tục quyết toán, 333 dự án đang triển khai (trong đó có 145 dự án thuộc danh mục kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020, tương đương 44% số dự án theo Nghị quyết HĐND TP đã phê duyệt)…

Theo Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP Phạm Thị Thanh Mai, việc thu gọn đầu mối về các BQLDA chuyên ngành là đúng định hướng và hiệu quả. Qua khảo sát cho thấy lộ trình rất phù hợp. Tuy nhiên, việc thành lập các BQLDA này trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng bộ máy tổ chức, con người từ nhiều cơ quan khác nhau, mặc dù có sự chỉ đạo của TP việc rà soát, sắp xếp bộ máy không được làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ chuyên môn, song trên thực tế cần một khoảng thời gian nhất định để ổn định tổ chức, tập trung vào công việc, nhiệm vụ được giao.

Trưởng ban KTNS HĐND TP Phạm Thị Thanh Mai:

Nhân sự nên có “khung cứng, khung mềm”

Do sáp nhập nguyên trạng về nhân sự, nên nhìn vào số lượng tại thời điểm khảo sát (cuối tháng 8), lao động hợp đồng khá nhiều. Số lượng cán bộ, người lao động nhiều hơn số lượng dự án, kế hoạch vốn được giao. Nhưng không nên chỉ nhìn một chiều, bởi số lượng nhân sự này có thể biến thiên theo từng thời điểm, phụ thuộc vào khối lượng dự án.

Để giải quyết vấn đề này, giúp BQLDA vận hành tốt, theo tôi phải nhanh chóng xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm. Trong đó, xác định rõ bộ khung cứng và mềm (khung cứng để triển khai cơ cấu bộ máy, khung mềm là số lượng tăng giảm tùy và nhiệm vụ, khối lượng dự án được giao tại từng thời điểm). Trong quá trình đó, trên cơ sở tiêu chí, tiêu chuẩn, sẽ rà soát, sàng lọc; có cơ chế đặc thù để thu hút, giữ chân người giỏi. Theo tôi biết, hiện các đơn vị đang trong tiến trình làm. Khi đã xác định được tất cả vị trí việc làm, sắp xếp quy trình, quy chuẩn thì sự vận hành của các BQLDA sẽ trơn tru, “nét” hơn nhiều.
Nhận diện sớm khó khăn để khắc phục

Theo bà Phạm Thị Thanh Mai, với quan điểm, khảo sát ngoài đánh giá thực tế triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2017, còn nhìn nhận sớm những vướng mắc, giúp các BQLDA phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Khảo sát thực tế cho thấy, việc triển khai, thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2017 ở các Ban vẫn chậm (số liệu của Kho bạc Nhà nước Hà Nội, đến 23/8 các BQLDA mới giải ngân được 25% kế hoạch); một số dự án khó thực hiện hết kế hoạch vốn năm 2017 đã giao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có dự án chưa hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư; một số dự án đã triển khai từ năm trước, nhưng nay phải thực hiện các thủ tục liên quan để điều chỉnh dự án phù hợp thực tế và yêu cầu mới. Ngoài ra có cả nguyên nhân là công tác GPMB chậm, dẫn đến thời gian triển khai dự án muộn. Việc chủ động phối hợp giữa BQLDA với các sở, ngành của TP trong tháo gỡ vướng mắc khi triển khai thủ tục đầu tư cũng còn hạn chế.

Bà Phạm Thị Thanh Mai cho biết, là đơn vị sự nghiệp hoạt động trên nguyên tắc tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí ấy được trích theo tỉ lệ trên kế hoạch vốn được giao tại từng thời điểm, nên các BQLDA cũng còn gặp nhiều khó khăn trong việc tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động. Tại thời điểm khảo sát, đúng là có BQLDA phải ứng lương từ ngân sách TP do khối lượng, tỷ lệ công trình được giao kế hoạch vốn chưa đủ (BQLDA NN&PTNT được TP hỗ trợ 1,4 tỷ đồng và tạm ứng ngân sách TP 6,2 tỷ đồng). “Việc TP ứng ngân sách cũng chỉ là tạm thời, không phải việc thường xuyên. Sau khi các BQLDA được cấp vốn dự án, sẽ phải hoàn ứng. Đó là quy định bắt buộc” - bà Mai lý giải.

Trước những tồn tại đó, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP đã kiến nghị TP sớm ban hành quy định một số nội dung về quản lý đầu tư và xây dựng đối với chương trình dự án đầu tư công của TP phù hợp với luật hiện hành. Xem xét việc tiếp tục giao nhiệm vụ thực hiện và kế hoạch vốn cho các BQLDA triển khai các dự án cấp thiết đủ điều kiện… Các sở chuyên ngành nên tham mưu thành lập các nhóm chuyên gia, chủ động tháo gỡ nhanh các vướng mắc cho dự án theo thẩm quyền. BQLDA cũng cần chủ động phối hợp với địa phương, không để GPMB là rào cản trong thực hiện và giải ngân dự án… Đặc biệt, để BQLDA hoạt động hiệu quả hơn, cần tiếp tục rà soát kiện toàn bộ máy, cơ cấu tổ chức đảm bảo gọn nhẹ, tinh nhuệ, chuyên nghiệp để thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ. Từ đó đảm bảo nguồn thu để tự chủ kinh phí theo quy định. Đồng thời, xây dựng quy trình và quy chuẩn chuyên nghiệp hóa trong kiểm soát công việc, trách nhiệm, để phát huy đúng tính chất của BQLDA chuyên ngành.

Việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy đối với 5 BQLDA chuyên ngành đã giảm 73/108 phòng (67,6%), 177/308 lãnh đạo trưởng phó phòng, đơn vị (57,5%), giảm 7/23 trụ sở làm việc (30,4%).