5 địa phương thí điểm quy trình đồng bộ dạy học trực tuyến

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, hiện có 5 địa phương Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Bình, Yên Bái và TP Hồ Chí Minh triển khai thí điểm tại một số trường học quy trình đồng bộ dạy học trực tuyến.

Bộ GD&ĐT chuẩn bị ban hành bộ quy chuẩn về đào tạo trực tuyến. Ảnh: Bảo Trọng
Ngày 6/4, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết vừa tổ chức họp trực tuyến với 5 địa phương liên quan đến công tác đào tạo.
Theo Bộ GD&ĐT, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, ngành giáo dục đã triển khai việc dạy học từ xa, qua internet, trên truyền hình bước đầu đạt hiệu quả. Bộ GD&ĐT cũng đã có công văn hướng dẫn chi tiết để triển khai hình thức dạy học này trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh.
Tuy nhiên trên thực tế, do điều kiện triển khai gấp rút, chưa được chuẩn bị đầy đủ, chưa có quy trình đồng bộ, cùng với hạn chế về điều kiện hạ tầng công nghệ nên việc triển khai ở một số nơi còn khó khăn, chưa đạt yêu cầu.
Sau khi thống nhất với Bộ GD&ĐT, với sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC về hệ thống phần mềm dạy học, quản lý, kiểm tra đánh giá, tập huấn giáo viên về dạy học trực tuyến, công cụ xây dựng bài giảng trực tuyến và hệ thống học liệu, các địa phương nói trên đã bắt đầu triển khai thí điểm.
Cụ thể, mỗi địa phương chọn ra 3 trường học thuộc 3 cấp (Tiều học, THCS, THPT), mỗi trường sẽ chọn một lớp, mỗi lớp chọn một môn để thực hiện thí điểm ngay. Sau khi đánh giá, rút kinh nghiệm từ mô hình thí điểm sẽ nhân rộng tại địa phương.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây là cách làm bài bản, tiếp cận tổng thể nhưng thực hiện từng phần, đảm bảo hiệu quả.
Theo người đứng đầu ngành giáo dục, Bộ GD&ĐT sẽ sớm có hướng dẫn quy trình dạy học trực tuyến, trong đó đưa ra các quy chuẩn công nghệ dạy và học theo hình thức này để các địa phương có căn cứ đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Hướng dẫn cũng đặt ra các yêu cầu về học liệu, giáo viên để làm căn cứ xây dựng, phát triển các kho học liệu hiện có và tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về dạy học trực tuyến.
“Đây là hoạt động mang lại lợi ích kép, trước mắt khắc phục khó khăn về việc dạy học trong điều kiện dịch bệnh nhưng lâu dài là cơ hội để chuyển đổi số ngành giáo dục. Ngoài ra, nếu có được kho học liệu với những bài giảng tốt để chia sẻ rộng rãi, học sinh cả nước sẽ được hưởng lợi. Nếu phối hợp tốt giữa giảng dạy truyền thống và giảng dạy trực tuyến sẽ giảm áp lực công việc rất lớn cho giáo viên” - Bộ trưởng nhìn nhận.