Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

5 điểm nhấn ấn tượng trong công tác bảo vệ môi trường

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chào năm 2018, với sức bật mới từ những thành quả của năm 2017, sẽ là thiếu sót nếu không điểm danh những điểm nhấn ấn tượng trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) của Hà Nội.

Lần đầu tiên, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết về công tác bảo vệ môi trường TP

Đó chính là Nghị quyết số 11-NQ/TU về tăng cường công tác BVMT trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo, được Thành ủy Hà Nội ban hành ngày 31/5/2017. Mục tiêu của Nghị quyết là đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, mục tiêu quốc gia về BVMT; tận dụng các nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường, khuyến khích đầu tư BVMT bằng nguồn vốn xã hội hóa; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân về BVMT và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, bảo đảm sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Nghị quyết đặt ra 3 nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện ngay và 04 giải pháp chủ yếu nhằm đặt được các mục tiêu, chỉ tiêu đã đặt ra. Để triển khai hiệu quả Nghị quyết, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp.

Các đại biểu ấn nút vận hành Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp tại huyện Sóc Sơn.

Hà Nội đi đầu cả nước về hệ thống quan trắc môi trường tự động

Với 10 trạm quan trắc không khí tự động (2 trạm cố định, 8 trạm cảm biến) và 6 trạm quan trắc nước mặt (tại Hồ Tây, Hồ Gươm, sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Cầu Bây và suối Lai Sơn) được lắp đặt và đưa vào vận hành trong năm 2017, Hà Nội đã trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về hệ thống quan trắc môi trường tự động. Theo đó, số liệu quan trắc không khí và nước mặt được cập nhật 24/24 giờ tại cổng thông tin của UBND TP và Sở TN&MT. Phấn đấu trong năm 2018, Hà Nội sẽ hoàn thành đầu tư 70 trạm quan trắc không khí (10 trạm quan trắc cố định tự động liên tục, 60 trạm cảm biến và 1 xe quan trắc tự động lưu động); 4 trạm quan trắc nước mặt, 1 xe quan trắc nước di động; 6 trạm quan trắc nước dưới đất; Nghiên cứu xây dựng mô hình dự báo ô nhiễm môi trường (không khí, nước mặt) để xác định nguồn ô nhiễm, nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí và nước mặt.

Xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường làng nghề và nông thôn

Năm 2017, 2 đề án BVMT đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Đó là đề án “BVMT làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” (ngày 31/8) và đề án "Xử lý chất thải y tế nguy hại TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025" (ngày 20/12).

Trong đó, đề án BVMT làng nghề nhằm tăng cường mạnh mẽ công tác quản lý và phát triển làng nghề trên địa bàn TP; tăng cường năng lực quản lý giám sát và khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề; ngăn chặn việc phát sinh các làng nghề gây ô nhiễm môi trường mới; nâng cao nhận thức cộng đồng làng nghề gắn sản xuất với trách nhiệm về môi trường... Đảm bảo đến năm 2030, cơ bản các làng nghề trên địa bàn TP đáp ứng yêu cầu về BVMT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô bền vững. Về đề án xử lý chất thải y tế nguy hại, đến năm 2020, TP yêu cầu đảm bảo 100% các cơ sở y tế ở các tuyến từ T.Ư đến tuyến huyện trên địa bàn Hà Nội thực hiện việc lưu giữ, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Thí điểm hiệu quả chương trình hạn chế rơm rạ, than tổ ong

Ước tính hàng năm Hà Nội phát sinh trên 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp với lượng đốt bỏ ngoài cánh đồng khoảng 352.000 tấn/năm (chiếm 33,7%). Để hạn chế tình trạng đốt rơm rạ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và ô nhiễm môi trường không khí, Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình “Cánh đồng không đốt rơm rạ” tại xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng. Cùng với đó, TP cũng triển khai các giải pháp hạn chế và tiến tới không sử dụng bếp than tổ ong để đảm bảo sức khỏe cộng đồng và không ô nhiễm môi trường. Năm 2017, TP đã thí điểm thành công điểm mô hình sử dụng bếp cải tiến thay thế bếp than tổ ong tại quận Ba Đình. Tiến tới, năm 2020, 100% các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP không còn hiện tượng đốt rơm rạ và sử dụng các bếp cải tiến đạt tiêu chuẩn thay thế bếp than tổ ong.

Vận hành Nhà máy xử lý rác thải công nghiệp phát điện đầu tiên tại Việt Nam

Dự án Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp để phát điện tại Nam Sơn, Sóc Sơn là dự án đốt rác phát điện đầu tiên tại Việt Nam, hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, sử dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản xử lý hiệu quả chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại đồng thời sản xuất được nguồn năng lượng sạch. Dự án có tổng mức đầu tư 612.236 triệu đồng. Trong đó, nguồn viện trợ không hoàn lại của Tổ chức NEDO Nhật Bản là 472.188 triệu đồng, vốn đối ứng từ ngân sách TP Hà Nội là 140.049 triệu đồng. Dự án khánh thành ngày 24/4/2017, vận hành chứng thực từ 1/4 - 30/9/2017. Hiện nay, Nhà máy đã đi vào vận hành ổn định với công suất 75 tấn rác thải công nghiệp/ngày đêm, phát điện 1,93 MW trong đó, 0,73 MW dùng trong nội bộ nhà máy và 1,2 MW phát lên lưới điện quốc gia.