Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

5 doanh nghiệp vào thu mua lúa Japonica cho nông dân Hà Nội

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/9, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội nghị Tổng kết phát triển sản xuất, tiêu thụ lúa gạo Japonica và đánh giá kết quả khảo nghiệm một số giống lúa mới năm 2020.

Triển khai Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica theo hướng xuất khẩu của TP, năm 2020, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng được 26 mô hình sản xuất lúa Japonica hàng hóa chất lượng tại 22 xã thuộc 6 huyện với quy mô 1.776ha.

Trong đó, gồm 160ha lúa Japonica theo hướng hữu cơ, 300ha lúa Japonica theo chuẩn Việt Nam, 1.316ha lúa Japonica chất lượng an toàn. Hạch toán kinh tế cho thấy, tổng giá trị sản phẩm bình quân lúa Japonica đạt 60 triệu đồng/ha/vụ. Hiệu quả kinh tế sản xuất lúa Japonica đạt xấp xỉ 30 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 15 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa Bắc thơm số 7.

 Nhiều giống lúa chất lượng, sản phẩm gạo Japonica đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được trưng bày, giới thiệu bên lề hội nghị.

Với mục tiêu nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm gạo Japonica phục vụ thị trường Thủ đô và một số tỉnh lân cận, đặc biêt là hướng tới xuất khẩu, Hà Nội đã đưa nhóm các giống Japonica (J02, J01, VAAS16, ĐS1) vào gieo cấy tại các vùng chuyên canh lúa hàng hóa trên địa bàn TP.

Đáng chú ý, đến nay Hà Nội xây dựng thành công 2 nhãn hiệu tập thể “Gạo Japonica Mỹ Thành” và “Gạo Japonica hữu cơ Nam Phương Tiến”; 2 chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo Japonica, gồm: HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, huyện Chương Mỹ liên kết với Công ty CP Xuất nhập khẩu GreenPath Việt Nam và HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết, huyện Ứng Hòa (đảm nhận khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ)

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hoàng Thị Hòa, xác định bài toán tiêu thụ là khâu then chốt trong phát triển bền vững vùng lúa Japonica, Trung tâm phối hợp với phòng kinh tế các địa phương liên kết với 5 đơn vị, DN để bao tiêu sản phẩm lúa Japonica cho bà con với mức giá cao hơn thị trường. Cụ thể, gồm: Công ty CP Thương mại và xuất khẩu Greenpath Việt Nam, Công ty CP kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh, Công ty TNHH Stevision Việt Nam, Công ty CP giống, vật tư nông nghiệp công nghệ cao Phú Thọ và HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết.

 Lễ ký kết tiêu thụ sản phẩm giữa các DN và các hợp tác xã sản xuất lúa Japonica.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, với mục tiêu hướng tới xuất khẩu gạo, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 cơ cấu giống lúa chất lượng toàn TP đạt trên 80%. Qua đó, duy trì và phát triển 80 - 100 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa hàng hóa chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. TP hỗ trợ phát triển công nghệ sấy, sơ chế, chế biến, bảo quản gạo giống Japonica nhằm nâng cao giá trị sản phẩm gạo Hà Nội. Hình thành thêm ít nhất 2 chuỗi liên kết giá trị sản phẩm gạo Hà Nội nhằm mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo Japonica chất lượng cao, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết tiêu thụ sản phẩm giữa các DN và các hợp tác xã sản xuất lúa Japonica trên địa bàn Hà Nội.