KTÐT - Với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông mới, doanh nghiệp có thể tìm ra những hướng đi tối ưu hóa chi phí tiếp thị mà vẫn đảm bảo hiệu quả truyền thông.
Khủng hoảng kinh tế gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng cũng mang đến những cơ hội nếu biết tận dụng giai đoạn này để quảng bá một cách khôn ngoan. Khi đợt khủng hoảng kinh tế năm 2008 diễn ra, nhiều công ty lựa chọn hình thức cắt giảm nhân sự, giảm đầu tư cho truyền thông. Còn hiện nay, quảng cáo trực tuyến được coi là một giải pháp hợp lý.
Tiếp thị trực tuyến sẽ giúp doanh nghiệp đạt được những mục tiêu mà các kênh truyền thống không thực hiện được như chi phí thấp, khả năng tương tác cao với khách hàng, dễ dàng quản lý và đo lường được hiệu quả truyền thông, đưa thông điệp quảng cáo trúng đối tượng mục tiêu. Tuy nhiên, để có chiến lược thành công, mọi người cần hiểu rõ về mỗi phương thức và kết hợp chúng một cách linh hoạt, đúng đắn:
Quảng cáo theo mạng lưới trên Internet (Ad-network)
Thay vì gõ cửa từng đại lý (agency) hoặc phòng quảng cáo của mỗi tờ báo, giờ đây, nhà quảng cáo có thể thông qua mạng quảng cáo trực tuyến - phương tiện hiệu quả để xây dựng các chiến dịch quảng cáo. Mạng quảng cáo trực tuyến là hệ thống trung gian kết nối bên bán và bên mua quảng cáo trực tuyến, hỗ trợ người mua quảng cáo tìm thấy những vùng và website bán quảng cáo phù hợp với chiến dịch truyền thông của mình từ hàng nghìn website. Hình thức này hiện được nhiều công ty đánh giá cao vì nó giúp tiết kiệm thời gian và chí phí nhân. Tại Việt Nam, Innity, Vietad, Ambient là những mạng lớn có thể đáp ứng hầu hết các nhu cầu của nhà quảng cáo.
Quảng cáo tìm kiếm (Search Marketing)
Theo thói quen, người dùng Internet khi muốn mua một sản phẩm, dịch vụ nào đó thường tra cứu trên Google, Yahoo, Bing... Nhà quảng cáo sẽ thông qua các đại lý hoặc trực tiếp trả tiền cho các công cụ quảng cáo để sản phẩm dịch vụ của họ được hiện lên ở các vị trí ưu tiên. Họ cũng có thể lựa chọn nhóm người xem quảng cáo theo vị trí địa lý, độ tuổi và giới tính hoặc theo một số tiêu chí đặc biệt khác. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể hướng tới đúng nhóm khách hàng mục tiêu, tăng hiệu quả tiếp thị, đồng thời có thể theo dõi, thống kê mức độ hiệu quả của mỗi từ khóa để kiểm soát cả chiến dịch và tạo dựng thương hiệu tốt hơn.
Quảng cáo trên mạng xã hội (Social Media Marketing)
Với sự phát triển của hàng loạt mạng xã hội như Facebook, Twitter, Go, Yume..., người làm tiếp thị có thêm lựa chọn để tiếp cận cộng đồng. Khi sử dụng hình thức này, doanh nghiệp thường quảng bá dưới dạng hình ảnh, video clip có khả năng phát tán và thu hút bình luận (comment). Tính tương tác chính là ưu điểm nổi trội của loại hình này so với các kiểu marketing truyền thống. Theo Tim O’Reilly thuộc công ty O’Reilly Media, social media (truyền thông xã hội) "không phải để nói về bạn, về sản phẩm hay câu chuyện của bạn. Nó phải tạo ra những giá trị cho cộng đồng mà có bạn trong đó. Càng nhiều giá trị bạn mang lại cho cộng đồng thì sẽ càng nhiều lợi ích cộng đồng mang đến cho bạn".
Marketing tin đồn (Buzz Marketing)
Viral Marketing (phát tán kiểu virus), Buzz Marketing (marketing tin đồn) hay Words Of Mouth Marketing (marketing truyền miệng) được thực hiện thông qua blog, mạng xã hội, chat room, diễn đàn… bắt đầu từ giả thuyết người này sẽ kể cho người kia nghe về sản phẩm hoặc dich vụ họ thấy hài lòng. Viral Marketing là chiến thuật nhằm khuyến khích khách hàng lan truyền nội dung tiếp thị đến những người khác, để sản phẩm và dịch vụ được hàng ngàn, hàng triệu người biết đến. Trường hợp của Susan Boyle, thí sinh của chương trình Britain's Got Talent, là một ví dụ. Cô nổi tiếng toàn cầu chỉ sau một đêm khi đoạn video của cô trên YouTube nhờ được hàng triệu người chia sẻ.
Chi phí thực hiện Buzz/Viral Marketing không nhiều và hiệu quả truyền thông lại rất cao nhưng cũng là một phương thức marketing tiềm ẩn rủi ro nếu sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp chưa thực sự tốt như cách mà họ quảng cáo.
E-mail marketing
E-mail đang dần thay thế cách gửi thư qua bưu điện và doanh nghiệp có thể nhanh chóng gửi thông tin tiếp thị tới hàng loạt địa chỉ e-mail với chi phí rẻ. Một hình thức khác mà doanh nghiệp có thể áp dụng là khuyến khích đăng ký nhận bản tin điện tử (eNewsletters) nhằm tạo sự chủ động tiếp nhận thông tin cho khách hàng, từ đó tạo tâm lý thoải mái, thiện cảm với thông tin doanh nghiệp đem đến.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng quả hình thức e-mail marketing để tiếp cận khách hàng như Vietnamworks với bản tin việc làm, Jetstar với bản tin khuyến mãi giá vé máy bay, Nhommua hay Muachung với các e-mail thông tin về mặt hàng giảm giá.
Trên đây là một số phương thức marketing trực tuyến được đánh giá cao bởi hiệu quả truyền thông, đồng thời tối ưu về mặt chi phí. Tuy nhiên, cũng như mọi phương thức quảng cáo khác, tiếp thị trực tuyến cần bắt nguồn từ nhu cầu, thói quen của khách hàng và hiểu các công cụ quảng cáo. Xác định đúng những mục tiêu cụ thể cần phải đạt được và vận dụng linh hoạt các phương thức marketing trực tuyến sẽ giúp doanh nghiệp sử dụng ngân sách một cách tối ưu.