Tại lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du tối 5/11 tại Hà Tĩnh, bà Katherine Muller Marin cho rằng đây là Lễ kỷ niệm của một nhà thơ lớn và kính trọng. Các tác phẩm của Nguyễn Du được lưu lại trong bộ sưu tập các tác phẩm đại diện của UNESCO – một sáng kiến nhằm truyền tải các kiệt tác văn học thế giới ra nhiều thứ tiếng khác nhau để nhân loại tận hưởng các giá trị văn hóa văn học của các nghệ sỹ mang trong mình nền văn hóa, di sản và truyền thống của dân tộc họ.
“Chúng ta nhớ đến những cống hiến của Nguyễn Du cho nền văn hóa nghệ thuật của Việt Nam và nhớ đến tác phẩm nổi tiếng của ông - Truyện Kiều - một trong những tác phẩm văn hóa trứ danh trên thế giới”, bà phát biểu.
Bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam
|
Những đóng góp của Nguyễn Du cho nền văn học và di sản văn hóa dân tộc là ở chỗ tác phẩm của ông đã làm đẹp và phong phú cho ngôn ngữ Việt Nam. Là một người tư duy độc lập và sáng tạo, Nguyễn Du đã khắc họa văn hóa Việt Nam một cách khéo léo và đặc sắc thông qua các tập thơ và tác phẩm của ông. Tầm ảnh hưởng của ông sâu đậm và bền bỉ đến mức, cho đến ngày nay người ta vẫn trích dẫn tác phẩm của ông để truyền tải cảm xúc và bày tỏ hoàn cảnh của mình.
Bà Katherine Muller Marin cho biết, khi tìm hiểu về cuộc sống và tác phẩm của Nguyễn Du bà nhận thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa tác phẩm của Nguyễn Du với các lĩnh vực hoạt động đặc trưng của UNESCO.
Đó là liên quan đến khát vọng hòa bình: Thơ ca Nguyễn Du chứa đựng đầy ắp lòng nhân đạo, tình yêu sâu sắc đối với con người và các giá trị nhân văn. Năm 1965, ngay cả khi đất nước bị chia cắt, tàn phá bởi chiến tranh, các sự kiện và hoạt động văn hóa nhằm kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Nguyễn Du đã được tổ chức cả trong và ngoài nước. Những lời cầu nguyện về nền hòa bình và thống nhất đất nước, về sự hạnh phúc và đoàn tụ đã vang lên thông qua các ca từ trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Liên quan đến chủ nghĩa nhân văn: Các tác phẩm của Nguyễn Du đều dựa trên lòng trắc ẩn con người, xem con người là hình ảnh nghệ thuật trung tâm của đời sống văn học, đồng cảm với những nỗi đau về tâm trí và thể xác, đồng thời khơi dậy nét đẹp của tinh thần, tài năng và tính cách con người. Lòng trắc ẩn ấy đã khiến các tác phẩm của Nguyễn Du khoác lên mình một tinh thần dân chủ và nhân văn của văn học dân gian Việt Nam, ăn sâu vào các nguyên lý căn bản của đạo Phật, đạo Khổng và đạo Lão.
Liên quan đến các giá trị gia đình: Trong tác phẩm Truyện Kiều, Thúy Kiều nói lên những nỗi đau khổ tận cùng khi phải sống và chịu đựng quảng đời đoạn trường để giữ vững lòng hiếu thảo với giá trị dân tộc và gia đình.
Liên quan đến truyền thống văn hóa: Tác phẩm Truyện Kiều luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho dân tộc, được hòa vào các loại hình nghệ thuật văn hóa khác, chẳng hạn như: biểu diễn sân khấu truyền thống, trò chơi dân gian, phim, kịch, ngâm thơ và các cuộc thi sáng tác thơ.
Tác phẩm của Nguyễn Du còn có mối liên quan với bình đẳng giới. Tác phẩm truyện Kiều nói lên sự bất hạnh và gian truân của Thúy Kiều – một thiếu nữ tài hoa, xinh đẹp đã hy sinh tất cả để cứu gia đình. Tác phẩm cũng miêu tả hành trình lưu lạc kiếp đoạn trường của Thúy Kiều vượt qua nghịch cảnh và sẵn sàng chịu khó khăn, bể khổ đấu tranh cho tự do và tình yêu.
Trong tập thơ Bắc hành tạp lục của mình, Nguyễn Du đã tìm được câu trả lời cho cuộc sống bất hạnh của người phụ nữ. Những câu ca sâu lắng và đầy tình cảm thể hiện khát khao của ông trong việc xóa bỏ nỗi thống khổ đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Bà cũng cho rằng, các tác phẩm của Nguyễn Du chứa đựng tình cảm, lương tri, tình yêu của nhân dân Việt Nam, khiến cho ông không chỉ là kho báu văn hóa dân tộc mà còn được biết đến như người soi sáng cho nhân loại tới nền hòa bình, lòng khoan dung, tình yêu và tình huynh đệ.
Trong một thế giới luôn luôn thay đổi, các tác phẩm bất hủ của Nguyễn Du cần được gìn giữ và chia sẻ thông qua nỗ lực không ngừng để nghiên cứu dịch thuật, giảng dạy và quảng bá, làm cho các thế hệ tiếp nối biết đến và học hỏi từ ông.
Kết thúc bài phát biểu của mình, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đọc 2 câu Kiều: “Thiện căn ở tại lòng ta /Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.