Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ huyện Mê Linh: Bước chuyển mạnh mẽ của vùng đất anh hùng

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát huy truyền thống của quê hương Hai Bà Trưng anh hùng, trong giai đoạn 2015 - 2020, Đảng bộ huyện Mê Linh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị, huy động nội lực của các thành phần kinh tế, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới gắn với định hướng đô thị hóa.

Kinh tế chuyển dịch tích cực
Nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô, điều kiện kinh tế - xã hội của huyện Mê Linh còn khá nhiều khó khăn so với mặt bằng chung toàn TP. Dù vậy, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, cơ cấu kinh tế huyện Mê Linh 5 năm qua tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn huyện hàng năm đạt gần 24.400 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng bình quân 8%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, với tỷ trọng từng lĩnh vực hiện nay là: Công nghiệp - xây dựng 88,9%; dịch vụ 4,5% và nông nghiệp 6,6%.
Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng bình quân đạt 21.668 tỷ đồng, tăng 8,4%/năm. Trên địa bàn huyện có Khu công nghiệp Quang Minh với 168 DN đang đầu tư, thu hút hơn 30.000 lao động. Bên cạnh đó, một số DN ngoài khu công nghiệp cũng hoạt động rất hiệu quả, đóng góp quan trọng vào phát triển chung của toàn ngành như: Công ty CP Sữa Hà Nội (Hanoimilk), Tổng Công ty CP Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (HABECO), Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam...
 Huyện Mê Linh đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành điểm sáng phát triển kinh tế tại khu vực Tây Bắc của Thủ đô. Ảnh: Phạm Hùng
Các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển. Hoạt động của các ngành tài chính, ngân hàng, tín dụng có nhiều tiến bộ. Tổng giá trị sản xuất các ngành thương mại, dịch vụ hàng năm đạt 1.095 tỷ đồng; tốc độ tăng bình quân khoảng 8,7%/năm. Toàn huyện có 1.598 DN dịch vụ, thương mại và 3.109 hộ cá thể kinh doanh dịch vụ, thương mại, đáp ứng tốt nhu cầu của Nhân dân.
Sản xuất nông nghiệp đã từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả, bền vững và có giá trị kinh tế cao. Tốc độ tăng trưởng ngành bình quân 2,2%/năm. Giá trị sản phẩm trên 1ha canh tác đạt 175 triệu đồng, tăng 2 lần so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người dân liên tục cải thiện, hiện đạt 55 triệu đồng/năm, tăng 1,75 lần so với năm 2015.

Bước đột phá về cơ sở hạ tầng

Song hành với phát triển kinh tế, công tác đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2015 - 2020 tiếp tục được Đảng bộ huyện Mê Linh quan tâm chỉ đạo. Điều này đã tạo nên bước đột phá quan trọng trong cải thiện và nâng cấp đồng bộ hạ tầng đô thị. Thống kê từ năm 2015 đến nay, toàn huyện có 390 dự án thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội… được triển khai với tổng mức đầu tư 2.533 tỷ đồng. Đến nay, nhiều công trình hạ tầng thiết yếu đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.
Một số công trình trọng điểm có thể kể tới như: Tuyến đường từ khu Trung tâm hành chính huyện đi thị trấn Chi Đông; đường trục Trung tâm đô thị mới Mê Linh; nâng cấp mặt đê tả sông Hồng; cải tạo trạm bơm Thanh Điềm… Cùng với đó là nhiều tuyến đường trục chính trên địa bàn các xã, thị trấn.
Huyện Mê Linh cũng đã chủ động phối hợp với các chủ đầu tư, cơ quan của Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch. Nhiều dự án đến nay đã hoàn thành như: HUD, CEO, An Thịnh, Long Việt... Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo vùng đất ven sông Hồng theo hướng đô thị hóa.
Triển khai công tác đầu tư xây dựng hạ tầng, những năm qua, huyện Mê Linh đã chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án. Trong 5 năm, toàn huyện đã giải phóng mặt bằng được gần 289ha. Một số dự án tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt (trước năm 2008) hoặc gặp khó về nguồn vốn, đang được huyện Mê Linh tích cực phối hợp với các cơ quan của Hà Nội tiếp tục triển khai.
Phát triển đô thị bền vững
Trong giai đoạn 2020 - 2025, Đảng bộ huyện Mê Linh đặt mục tiêu cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp, xây dựng - dịch vụ - nông nghiệp. Đặc biệt là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường bền vững.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Bí thư Huyện ủy Mê Linh Đỗ Đình Hồng cho biết, địa phương đã lựa chọn và xác định một trong hai khâu đột phá cần tập trung triển khai, đó là “Đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ hiệu quả người dân và DN; Nâng cao hiệu quả đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng khung, đô thị và nông thôn theo hướng sinh thái đồng bộ, hiện đại”.
Theo đó, trong tời gian tới, huyện Mê Linh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị đẩy mạnh phát triển kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh, bền vững. Tăng cường thực hiện các giải pháp về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện. Trong đó, ưu tiên đầu tư và đẩy mạnh thu hút nguồn vốn xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Bí thư Huyện ủy Mê Linh Đỗ Đình Hồng cũng nhấn mạnh vai trò của khu vực nông nghiệp, nông thôn trong dòng chảy phát triển đô thị. Theo đó, việc phát triển đồng bộ, hiện đại hạ tầng đô thị sẽ gắn với thiết chế hạ tầng nông thôn theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường.
Trong định hướng phát triển đô thị, huyện Mê Linh sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực để cải tạo hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ nước trên địa bàn theo quy hoạch. Đồng thời, rà soát, tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị bền vững.

Một số chỉ tiêu phát triển của huyện Mê Linh đến năm 2025: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8 - 8,5%/năm. Cơ cấu kinh tế năm 2025: Công nghiệp - xây dựng từ 86 - 90%; dịch vụ từ 6 - 8%; nông nghiệp từ 4 - 6%. Toàn huyện cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của TP. Tổng số xã được công nhận nông thôn mới nâng cao đạt trên 30%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 60%.