Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

5 vấn đề cần tháo gỡ để hút doanh nghiệp đầu tư và phát triển

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh... Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, dưới góc độ Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Chu Đức Lượng - Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ đã có kiến nghị cần quan tâm đến 5 vấn đề.

Tại “Hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19”, ông Chu Đức Lượng cho biết là chủ đầu tư Dự án KCN Phú Nghĩa, CCN Đông Phú Yên (huyện Chương Mỹ) và một số dự án khác, với góc độ là Phó Chủ tịch Hanoisme, cũng là đại diện DN đang thực hiện các dự án trên địa bàn, để tháo gỡ khó khăn cho các DN nhằm khơi thông nguồn lực góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đề nghị TP Hà Nội và các bộ, ngành T.Ư quan tâm đến 5 vấn đề.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Chu Đức Lượng - Chủ tịch  Công ty CP Tập đoàn Phú Mỹ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Hải
Một là, cơ chế hỗ trợ tài chính trong lúc khó khăn do dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến các DN, đặc biệt các DNVVN, rất nhiều DN đã phá sản. Vì vậy, để cấp cứu cho các DN còn lại đang gặp khó khăn, ốm yếu sống được và tiếp tục phát triển, ngoài những chính sách đã ban hành như giảm tiền thuê đất, giãn nộp thuế... Chính phủ nên có thêm chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng; Xem xét lại cơ chế và hướng dẫn để DN tiếp cận gói vay tín dụng trả lương cho Người lao động.
Hai là, sửa đổi, bổ sung các luật liên quan. Hiện Bộ Tư pháp đang chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung 10 Luật. Tuy nhiên, chưa thấy việc thực hiện đẩy nhanh tiến trình cụ thể cho Dự án sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở. Hiện Luật Nhà ở và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành còn vướng mắc.
Cụ thể, tại Khoản 5, Điều 1, Nghị định số 30/2021/NĐ-CP sửa đổi Điều 18 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định các trường hợp lựa chọn nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, dự án khu đô thị có nhà ở. Trong đó, Mục 2b quy định trường hợp: Nhà đầu tư có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở”. Quy định này đang gây ách tắc rất nhiều Dự án nên cần sửa đổi cho phù hợp thực tế.
“Rất mong TP Hà Nội, các bộ ngành T.Ư sớm báo cáo Quốc hội, Chính phủ để chỉ đạo thực hiện Dự án sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở và các luật khác nhằm giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn, bảo đảm sự thống nhất, khắc phục vướng mắc trong thực hiện” - ông Chu Đức Lượng kiến nghị.
Khu Công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) là một trong những mô hình kiểu mẫu của Hà Nội với hạ tầng đồng bộ. 
Ba là, cần có cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội phát triển đầu tư. Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có rất nhiều dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng đất do các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành quy định thẩm quyền chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất lúa có diện tích trên 10ha thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ (để thực hiện thủ tục này mất rất nhiều thời gian, có khi 1 - 2 năm chưa xong thì dự án cấp phép đã hết hạn).
“Nhiều dự án vướng mắc về nội dung này, khó khăn cho thực hiện đầu tư, thu hút đầu tư, ảnh hưởng đến mục tiêu dự án cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và DN” - vị này nói.
Song với đặc thù Hà Nội là Thủ đô - trái tim của cả nước, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao thương quốc tế, TP Hà Nội xem xét kiến nghị với Quốc hội Chính phủ, các bộ ngành T.Ư giao cho Hà Nội cơ chế đặc thù phân cấp, phân quyền quản lý Nhà nước để chủ động đầu tư phát triển Thủ đô một cách hiệu quả và ổn định.
“Vừa qua Thường vụ Quốc hội đã đề xuất cơ chế đặc thù cho 4 tỉnh, thành gồm: Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Nghệ An” - ông Chu Đức Lượng dẫn dụ.
Bốn là, về việc phát triển các khu, cụm công nghiệp. Trong 10 năm qua, chỉ số phát triển công nghiệp của TP Hà Nội liên tục sụt giảm so với các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc. Cũng trong 13 năm qua, TP chưa có một KCN mới nào được triển khai thực hiện để đủ điều kiện thu hút đầu tư, hiện có 20 CCN đang triển khai nhưng với quy mô nhỏ và tiến độ triển khai rất chậm, chưa cụm nào đủ điều kiện khởi công.
Trong khi đó, thực trạng hiện nay nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước cần, nhưng không có mặt bằng để xây dựng nhà máy thực hiện dự án. TP xem xét và có các biện pháp cần thiết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án làm cơ sở cho chủ đầu tư hạ tầng thực hiện, tránh mất cơ hội thu hút đầu tư như hiện nay.
Năm là, về thủ tục hành chính. Thời gian qua, Hà Nội đã chỉ đạo công tác cải cách các TTHC và đã đạt được hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, các bước thủ tục vẫn còn dài và vòng đi vòng lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian cho lãnh đạo TP, các sở ngành và cho DN phải họp nhiều. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch Covid-19, việc giải quyết các công việc hành chính của DN còn rất nhiều khó khăn do phải thực hiện công tác phòng dịch để đảm bảo cho sản xuất kinh doanh được an toàn và hiệu quả.
“Mong TP Hà Nội tiếp tục có chỉ đạo quyết liệt cụ thể hơn trong việc cải cách TTHC theo hướng số hóa, định lượng bằng thời gian cụ thể hoàn thành cho từng đầu việc để các thủ tục xử lý được nhanh gọn, hiệu quả và rút ngắn thời gian để hoàn thành công việc” - doanh nhân này chỉ ra.
Đồng thời ví dụ, hiện đối với nội dung cơ quan chủ trì thẩm định hồ sơ đề xuất của DN cần lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan có quy định thời gian cụ thể để tham gia ý kiến, nhưng thực tế sở ngành còn quá nhiều công việc nên không kịp thời cho ý kiến gửi về đơn vị chủ trì để thẩm định và tổng hợp báo cáo theo quy định. Và có những nội dung công việc của 1 dự án nhưng phải lấy ý kiến nhiều lần, dẫn đến mất rất nhiều thời gian, lãng phí thời cơ...