Mưa lũ cũng làm ngập 98.311 nhà; sập, đổ, cuốn trôi, tốc mái và hư hỏng 211 nhà; 1.823ha lúa, hoa màu bị hư hại cùng nhiều ao cá, tôm, tàu thuyền bị lật, chìm... Ngoài ra, có 33.638m3 đất, đá, bê tông sạt, trôi, bồi lấp; 2.440m đê, kè bị hư hỏng và cuốn trôi; 40.220m kênh, mương bị hư hỏng, cuốn trôi; 208.110m3 đường giao thông bị sạt lở, vùi lấp; 11.436m đường giao thông bị sạt lở, hư hại…
Tính đến sáng nay (17/11), tại Quảng Ngãi vẫn còn 40 xã tại lưu vực các sông: sông Vệ, Trà Khúc, Trà Câu, Trà Bồng trên địa bàn các huyện: Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, TP Quảng Ngãi, Đức Phổ, Bình Sơn bị ngập sâu, chia cắt. Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi không còn xã nào bị cô lập.
Trong khi đó, tại Bình Định vẫn bị ngập trên diện rộng. Toàn tỉnh Bình Định có 98.904 nhà (trên 41 xã/10 huyện) bị ngập. Trong đó, huyện Tuy Phước bị ngập 80% diện tích với 36.000 nhà/45.000 người. Hiện vẫn còn nhiều xã bị nước lũ chia cắt, cô lập. Mưa lớn đã gây lũ quét tại các xã An Dũng, An Vinh, An Nghĩa, An Toàn, An Quang (huyện An Lão). Toàn bộ hệ thống đê Đông hầu hết bị ngập (42/47km), độ sâu ngập trung bình là 0,5m, chỗ ngập sâu nhất 1m.
Tuyến quốc lộ 1A đoạn qua thị xã An Nhơn bị ngập sâu 1,2m đến 1,4m, tuyến đường nối quốc lộ 1A đến sân bay Phù Cát bị tắc đường do ngập nước, các tuyến bay từ Quy Nhơn bị đình trệ; Cầu Gành nước chạm đáy dầm, cầu có nguy cơ bị sập nếu nước tiếp tục dâng cao; cầu Bình Định mố phía nam bị xói lở mạnh và đứt đường dẫn lên cầu dài 50m; mố cầu Huỳnh Kim bị sạt lở nặng. Quốc lộ 1D ngập sâu tại ngã ba Long Vân, hồ Phú Hòa. Quốc lộ 19 ách tắc giao thông từ Quy Nhơn đi huyện Tây Sơn và tỉnh Gia Lai bị ách tắc nhiều đoạn. Ngoài ra, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Định có nhiều đoạn đường bị ngập sâu gần 2m và sạt lở gây ùn tắc giao thông.
Do sạt lở trên tuyến đường ĐT616 tại Km45 đoạn qua xã Trà Dương huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) với khối lượng lớn nên hiện tuyến đường này đang ách tắc tuyến, ngành giao thông Quảng Nam đang tổ chức khắc phục để thông tuyến trong thời gian sớm nhất…
Tính đến nay, các tỉnh ven biển từ Quảng Nam đến Phú Yên đã sơ tán, di dời 19.349 hộ/78.395 người dân các vùng ven sông, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, trũng thấp có nguy cơ bị ngập sâu đến nơi an toàn. Cụ thể: Quảng Nam: 13 huyện, thị với 1.313 hộ/4.355 người; Quảng Ngãi: 16.405 hộ/66.961 người; Bình Định: TP Quy Nhơn với 220 hộ; Phú Yên: 1.411 hộ/7.079 người.
Về tình hình các hồ chứa lớn tại miền Trung đều đạt trên 80% dung tích thiết kế, các hồ chứa lớn đang vận hành theo đúng quy trình (đang mở các cửa van tràn). Hiện các hồ thủy điện đã giảm lượng xả. Lúc 6 giờ sáng nay (17/11) đã có 13 hồ thủy điện xả tràn, 6 hồ xả với lưu lượng lớn hơn 400m3/s cụ thể: Hương Điền: 4,85m3/s; sông Tranh 2: 2.046 m3/s; Đăk Mi 4A: 491 m3/s; sông Ba Hạ: 3.400 m3/s; Yaly: 740 m3/s; Sê San 3: 680 m3/s; Sê San 4: 912 m3/s; Sê San 4A: 1.724 m3/s…
Trong ngày và đêm qua (16/11) các tỉnh bị mưa lũ đã huy động mọi lực lượng để tổ chức ứng cứu cho nhân dân vùng ngập lụt; phân công lực lượng tại các tuyến đường bị ngập, tràn để hướng dẫn người dân, phương tiện tham gia giao thông; chỉ đạo phối hợp vận hành các hồ chứa trên địa bàn.
Một ngôi ở huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) bị sập hoàn toàn trong cơn lũ.
|
Nhiều nơi ở tỉnh Bình Định vẫn ngập sâu trong nước lũ.
|
Cứu hộ nhân dân trong nước lũ.
|