Theo đó, 554 Đạo Sắc phong đang được lưu giữ tại 63 cơ sở thờ tự thuộc các quận, huyện như: Long Biên, Đông Anh, Gia Lâm, Phú Xuyên, Hoài Đức.
Phát biểu tại buổi trao quyết định, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Xác định tài liệu lưu trữ quý, hiếm Vũ Đức Tuyên cho biết, hiện nay nguồn tài liệu quý giá vẫn chưa được quan tâm bảo vệ, nghiên cứu đầy đủ, xứng đáng với tầm quan trọng của các tài liệu quý giá.
“Để phát huy giá trị của Đạo Sắc phong, với tư cách là một loại hình tài liệu lưu trữ quý, hiếm, có giá trị về nhiều mặt, rất cần được giữ gìn bảo vệ, bởi nó không chỉ là những hiện vật giàu tính khoa học, mà còn là một vật thể thiêng liêng trong đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân các làng xã Việt Nam” - ông Vũ Đức Tuyên chia sẻ.
Đạo Sắc phong là linh hồn của cơ sở thờ tự có từ khoảng thế kỷ XV (triều nhà Lê Sơ). Đạo Sắc phong bản gốc, bản chính được xác định thông qua các đặc điểm như: Con dấu đóng (màu đỏ gồm các chữ: Sắc mệnh chi bảo) của nhà Vua mang nội dung công nhận có tính pháp lý, chữ viết, hoa văn, chất liệu giấy.
Bên cạnh đó, sắc phong còn thể hiện quyền lực của triều đình đối với các làng, xã. Cùng với các loại văn bản và thư tịch cổ như chiếu, chỉ, hịch, gia phả, châu bản… Đạo Sắc phong được xem như là một loại văn bản pháp quy chính thống của Nhà nước phong kiến.