Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) vừa cho biết, hiện nay TP Hà Nội đã công nhận 59 sản phẩm của 46 doanh nghiệp là sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Trong đó, ngành cơ khí có 21 sản phẩm, ngành điện - điện tử có 19 sản phẩm, ngành dệt may - da giầy có 5 sản phẩm, ngành hóa - nhựa có 9 sản phẩm, ngành chế biến lương thực thực phẩm có 5 sản phẩm.
Tổng doanh thu của các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt gần 60.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, tốc độ tăng trưởng bình quân về doanh thu đạt từ 10 - 11%.
Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 500 triệu USD, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn. Các sản phẩm chủ lực đều là những thương hiệu nổi tiếng.
Cục Công nghiệp địa phương cho biết, để có kết quả trên, Hà Nội đã dành nhiều hỗ trợ cho các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực về vốn, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực và phát triển thị trường như: Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, hỗ trợ lãi suất vốn vay sản xuất, kinh doanh, kết nối với ngân hàng, tạo điều kiện tham gia các hội chợ, triển lãm, sự kiện quảng bá, giao thương thương mại trong nước và quốc tế.
“Hà Nội đã xây dựng chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực nhằm tìm ra những sản phẩm có khả năng, điều kiện phát triển để tập trung đầu tư, trở thành các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của Thủ đô”, văn bản nêu.
Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình thời gian qua cũng đã bộc lộ những hạn chế cần được khắc phục, rút kinh nghiệm như: Chưa có nhiều hạt nhân, mô hình phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghệ sạch; sức lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp còn hạn chế...
Giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đăt mục tiêu trợ giúp các doanh nghiệp công nghiệp phát triển nhanh những ngành, sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.