Điều này đồng nghĩa với việc các quý còn lại chúng ta phải tăng trưởng trung bình trên 7%. Đây là mục tiêu không đơn giản trong bối cảnh hiện tại.
Tuy nhiên, trong báo cáo tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV vừa khai mạc, Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 ở mức 6,7%.
Vì sao phải đạt mục tiêu?
Trong báo cáo của các tổ chức, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều có chung nhận định, mặc dù nền kinh tế vẫn trong xu hướng cải thiện song đang gặp những thách thức không nhỏ để có thể đạt mục tiêu. Thực tế trong khi khu vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến chế tạo có những chuyển biến tích cực thì sự sụt giảm của nhiều ngành kinh tế khác là những tác nhân không nhỏ đến tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong khi Ủy ban giám sát tài chính quốc gia đưa ra 3 kịch bản của nền kinh tế, ở kịch bản cao, GDP mới có thể tăng trưởng 6,7% thì trong báo cáo kinh tế vĩ mô của của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cũng đánh giá khả năng hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,7%) là rất khó khăn, nếu không cải thiện đáng kể tốc độ tăng trưởng trong các quý tiếp theo.
Rất nhiều thách thức nhưng tăng trưởng kinh tế năm 2017 có ý nghĩa rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác, nhất là thu, chi và bội chi ngân sách Nhà nước, nợ công cũng như việc làm, thu nhập cho người lao động... Đơn cử như đối với thu, chi ngân sách. Đây được ví như hàn thử biểu phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. Khi kinh tế phát triển nhanh thì thu ngân sách tăng nhanh và ngược lại. Trong khi đó, các chỉ số bội chi và nợ công trên một đại lượng giá trị GDP “kế hoạch” năm 2017 là 5,1 triệu tỷ đồng. Con số này được xây dựng trên cơ sở ước năm 2016 đạt khoảng 4,6 triệu tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7% cộng với yếu tố giá. Chính vì thế nếu tăng trưởng kinh tế năm nay không đạt mục tiêu 6,7% sẽ kéo theo giá trị GDP “kế hoạch” năm 2017 cũng rất khó đạt mức 5,1 triệu tỷ đồng. Nếu giá trị này ở mức thấp hơn 5,1 triệu tỷ đồng, thì các chỉ số bội chi và nợ công so với GDP sẽ tăng lên. Năm 2016, việc GDP không đạt kế hoạch làm cho tỷ lệ bội chi “đội” thêm xấp xỉ 0,7% GDP và nợ công tăng thêm trên 1,4% GDP.
Bên cạnh đó, năm 2017 là năm thứ 2 của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, hoàn thành mục tiêu 6,7% sẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng 5 năm mà T.Ư Đảng và Quốc hội đã đề ra.
Vẫn còn dư địa
Trên cơ sở những phân tích về những tác động tiêu cực nếu không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% nên mặc dù được nhận định là “rất nặng nề” và cao hơn so với tất cả các dự báo của các tổ chức quốc tế và trong nước gần đây, Chính phủ vẫn kiên quyết thực hiện. Một số chỉ tiêu cụ thể trong các lĩnh vực chủ yếu đã được Chính phủ yêu cầu triển khai sớm đó là: Khu vực nông nghiệp tăng 3,05%, trong đó xuất khẩu nông sản đạt hơn 33 tỷ USD; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,91%, trong đó khu vực công nghiệp tăng 8%, xây dựng tăng 10,5%, khu vực dịch vụ tăng trưởng 7,19%, trong đó khách du lịch tăng 30%. Tăng cường thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tập trung phát triển DN, thu hút đầu tư nước ngoài… Đồng thời Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thường xuyên báo cáo Chính phủ những giải pháp tháo gỡ khó khăn, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.
Bên cạnh đó, những dư địa cho tăng trưởng cũng cần nhìn nhận đến. Đầu tiên đó là những nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là những nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân (đề ra tại nghị quyết T.Ư 5) và việc Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đang được Quốc hội bàn thảo. Cùng với đó là tiềm năng đến từ khu vực đầu tư nước ngoài khi các nhà đầu tư vẫn chọn Việt Nam là điểm đến. Một thế mạnh nữa phải kể đến là ngành du lịch. Đây cũng là ngành kinh tế mũi nhọn và đã, đang đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cả nước. Trong khi nông nghiệp vẫn là thế mạnh của Việt Nam rất cần những chính sách đầu tư để phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa…
Chính phủ có lý khi quyết tâm về tăng trưởng, tuy nhiên cùng với đó cũng cần quan tâm đến việc tái cơ cấu nền kinh tế bởi hiệu quả đối với nền kinh tế khó được cải thiện trong thời gian tới nếu chỉ tập trung vào thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn, đặc biệt là vốn Trái phiếu Chính phủ, mà không có các biện pháp siết chặt kỷ luật ngân sách, đầu tư công, nâng cao năng suất lao động. Đó mới là những yếu tố giúp tăng trưởng bền vững thay vì bằng mọi giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng.