Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

6 tháng cuối năm, Hà Nội thúc đẩy các động lực tăng trưởng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiều 28/6, Cục Thống kê TP Hà Nội tổ chức họp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024.

Quang cảnh Họp báo
Quang cảnh Họp báo

Theo Cục Thống kê TP,  kinh tế - xã hội Hà Nội 6 tháng đầu năm 2024 diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang dần ổn định, các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 so với các dự báo đưa ra trước đó. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn về chính trị, chính sách, công nghệ và biến đổi khí hậu. Xu hướng phân mảnh địa kinh tế ngày càng rõ nét. Chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức. Lạm phát tiếp tục giảm nhưng chậm hơn so với dự báo và vẫn tồn tại các áp lực gia tăng trở lại. Tăng trưởng năng suất lao động chậm kìm hãm sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Ở trong nước, kinh tế được cải thiện dần nhưng tốc độ chậm, đà tăng trưởng của các khu vực không đồng đều, nhất là khu vực tiêu dùng trong nước vẫn chưa hoàn toàn phục hồi.
Đối với Thủ đô Hà Nội, ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành và địa phương thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nhờ đó, kinh tế - xã hội TP tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, an sinh xã hội được đảm bảo.

Tổng sản phẩm trên địa bàn TP Hà Nội (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 6% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,53%; quý II tăng 6,44%).

“Tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm nay tăng nhẹ so với mức tăng 5,86% của cùng kỳ năm trước nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, xuất khẩu gặp khó khăn, sức mua thị trường nội địa chững lại, mức tăng trưởng quý II cao hơn 0,91 điểm % so với quý I là rất quan trọng và đáng ghi nhận”- Phó Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội Vũ Văn Tấn thông tin.

Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khá. Trong đó, dịch vụ tăng 6,55% (cùng kỳ tăng 7,54%); công nghiệp và xây dựng tăng 5,37% (cùng kỳ tăng 3,28%); nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,94% (cùng kỳ tăng 2,24%); thuế sản phẩm tăng 4,38% (cùng kỳ tăng 2,41%).

Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 5%, cùng kỳ tăng 3,7%. Xuất, nhập khẩu đạt 8.891 triệu USD, tăng 11,0%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 408,442 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7%, cùng kỳ tăng 10,4%.

Du lịch duy trì tăng trưởng khá. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 3,042 triệu lượt, tăng 36,9%, cùng kỳ tăng 46,5%. Tổng thu ước đạt 55.385 tỷ đồng, tăng 22,8%.

Thu hút đầu tư nước ngoài đạt khá. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, TP thu hút 1.165,3 triệu USD vốn FDI, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023. TP đang chuẩn bị công tác tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhằm trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn..

Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt khá với 6 tháng 2024 ước tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước; chi ngân sách tăng địa phương 24,2%; các tổ chức tín dụng thực hiện điều chỉnh giảm mức lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và duy trì tăng trưởng.

Về cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 của TP Hà Nội, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 2,18%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,3%; khu vực dịch vụ chiếm 66,91%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,61% (cơ cấu GRDP 6 tháng đầu năm 2023 tương ứng là: 2,20%; 20,79%; 66,21% và 10,80%).

Theo Cục Thống kê Hà Nội, trong 6 tháng cuối năm, dự báo tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; nền kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực nhưng còn nhiều khó khăn.

Về chỉ tiêu GRDP năm 2024 tăng từ 6,5% trở lên, ông Vũ Văn Tấn cho rằng, TP tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về công tác quy hoạch, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tín dụng; phát triển các ngành, lĩnh vực chủ chốt; hoàn thiện cơ chế chính sách… sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thời gian tới TP tiếp tục bảo đảm ổn định và tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát. Tích cực tổ chức tháo gỡ khó khăn cho sản xuất-kinh doanh, thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi (giảm, giãn thuế, phí, lãi suất cho doanh nghiệp) thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, kinh tế số, các mô hình kinh doanh mới (kinh tế đêm), kinh tế tuần hoàn và các ngành lĩnh vực mới nổi. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Quyết liệt đẩy nhanh vốn đầu tư công, kế hoạch trung hạn 2021-2025, đặc biệt là quan tâm thúc đẩy các công trình dự án trọng điểm.