Theo đó, ước tính xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 6/2020 đạt 300 triệu USD, tăng 8,4% so với tháng 6/2019. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2020 xuất khẩu mặt hàng này ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Quả vải thiều được kiểm định trước khi xuất khẩu |
Mặc dù xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2020, đạt 906,1 triệu USD, giảm 30,3% so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên xuất khẩu sang nhiều thị trường ghi nhận mức tăng trưởng cao như: Thái Lan đạt 68 triệu USD, tăng 233,4% so với cùng kỳ năm 2019; Hàn Quốc đạt 67,4 triệu USD, tăng 21,9%; Hoa Kỳ đạt 62 triệu USD, tăng 6,2%; Nhật Bản đạt 57,7 triệu USD, tăng 15,7%...
Đáng chú ý, xuất khẩu rau quả có nhiều tín hiệu khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, như việc trái chuối của Việt Nam đã chính thức vào hệ thống siêu thị Lotte của Hàn Quốc.
Cùng với chuối xuất khẩu sang Hàn Quốc, quả vải của Hải Dương và Bắc Giang đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Singapore. Trong khi đó, thị trường Ấn Độ rất ưa chuộng trái thanh long, vải, chôm chôm của Việt Nam; trái nhãn Sơn La đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu ra thế giới... là những tín hiệu rất tích cực cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định, những yếu tố tích cực nêu trên và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN ngành hàng rau quả mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, để xuất khẩu được vào khối thị trường này, Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị, ngành hàng rau quả của Việt Nam cần đầu tư nâng cao chất lượng nông sản, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đạt được những tiêu chuẩn của thị trường EU.