Trong đó, vùng sản xuất rau an toàn có tổng diện tích 50ha tại các xã Văn Đức (20ha), Đặng Xá (10ha), Yên Thường (20ha) gồm các loại rau ăn lá, củ... Vùng sản xuất quả an toàn có tổng diện tích 60ha tại các xã Dương Quang (20ha), Dương Hà (10ha), Dương Xá (20ha), thị trấn Trâu Quỳ (10ha) gồm các loại cam canh, bưởi diễn, ổi lê, ổi Đài Loan...
Mô hình được triển khai từ tháng 8/2022 - 12/2022. Trong quá trình triển khai, đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn Khoa học và Công nghệ Việt đã tổ chức 14 lớp đào tạo, tập huấn với số lượng người tham gia đảm bảo 90% trên tổng số hộ/nhóm hộ, trong đó có 7 lớp đào tạo nhận thức chung về tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và 7 lớp đào tạo đánh giá nội bộ, hướng dẫn thực hiện đánh giá nội bộ, hướng dẫn ghi sổ nhật ký cho 7 vùng sản xuất rau, quả an toàn.
Đơn vị tư vấn cũng đã tiến hành lấy mẫu, phân tích mẫu đất, nước, sản phẩm với số lượng mỗi vùng 2 mẫu đất, 2 mẫu nước và 4 mẫu sản phẩm. Đồng thời, lập hồ sơ đăng ký, đánh giá chứng nhận và tổ chức chứng nhận đã hoàn thành cấp 07 giấy chứng nhận VietGAP cho 7 vùng sản xuất rau, quả an toàn của huyện Gia Lâm.
Việc triển khai xây dựng, áp dụng và đánh giá chứng nhận tiêu chuẩn quốc gia thực hiện sản xuất nông nghiệp VietGAP cho 7 vùng sản xuất rau, quả an toàn trên địa bàn huyện Gia Lâm năm 2022 bước đầu đã tạo ra những thay đổi trong thói quen sản xuất rau, quả của các hộ nông dân.
Các hộ đã nhận thức được tầm quan trọng của tiêu chuẩn VietGAP và ý thức việc sản xuất rau, quả an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm của chính mình. Bên cạnh đó, các hộ đã biết sắp xếp, tách biệt các khu vực: Pha thuốc, nơi chứa phân bón, nơi chứa thuốc BVTV, nơi chứa vỏ bao bì thuốc BVTV, nơi chứa nước súc rửa bình sau phun (hố cát), nơi để đồ bảo hộ lao động, tủ thuốc y tế. Các hộ cũng ý thức được việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV sao cho an toàn, hiệu quả, đảm bảo đủ thời gian cách ly trước khi thu hoạch...
Sau khi phối hợp trao giấy chứng nhận VietGAP cho 7 vùng sản xuất trên địa bàn huyện Gia Lâm, Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm đã đề nghị Hợp tác xã của các xã hướng dẫn các hộ gia đình tham gia mô hình tiếp tục thực hiện và nhân rộng mô hình đúng và đầy đủ các bước theo tiêu chuẩn VietGAP, tăng cường kết nối với các kênh tiêu thụ sản phẩm, duy trì và phát huy hơn nữa hiệu quả mô hình.