Kinhtedothi - Để giữ được tỉ giá ổn định, NHNN đã sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đặc biệt công cụ lãi suất và tỉ giá được phối hợp chặt chẽ theo hướng nâng cao vị thế của đồng Việt Nam (VND), một điểm trong nhiều năm trước đây còn hạn chế.
“Có thể nói, 70% sự ổn định thị trường ngoại hối là do chính sách và sự thực hiện đúng mực chính sách điều hành tỉ giá, còn phần còn lại là do sự ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có sự kiểm soát lạm phát và giữ sự ổn định giá trị tiền đồng” - đây là nhận định của TS Nguyễn Trí Hiếu (ảnh) với PV.
Ông đánh giá thế nào về chính sách điều hành tỉ giá của NHNN giai đoạn 2012-2013 và thời gian gần đây?
- Phải khẳng định sự ổn định của tỉ giá trong giai đoạn 2012-2013 có được trước hết là nhờ các giải pháp chính sách tiền tệ, tỉ giá chủ động, nhất quán của cơ quan điều hành. Để giữ được tỉ giá ổn định, NHNN đã sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đặc biệt công cụ lãi suất và tỉ giá được phối hợp chặt chẽ theo hướng nâng cao vị thế của đồng Việt Nam (VND), một điểm trong nhiều năm trước đây còn hạn chế. Nhờ vậy góp phần bình ổn thị trường vàng, giảm tình trạng đô la hóa, làm tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức kỷ lục 35 tỉ USD. Một nguyên nhân khác là do nhu cầu NK và thâm hụt thương mại giảm đáng kể làm giảm nhu cầu ngoại tệ trên thị trường. Trong khi đó, nguồn cung ngoại tệ vẫn tương đối dồi dào với mức giải ngân đầu tư nước ngoài và kiều hối ổn định.
Tuy nhiên, theo tôi, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là niềm tin vào nhà điều hành. Ở đây, NHNN với vai trò là nhà điều hành đã rất nghiêm chỉnh, nhất quán trong chính sách quản lý ngoại hối và thị trường vàng. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng và chủ yếu góp phần vào sự ổn định tỉ giá trong những năm qua. Có thể nói, 70% sự ổn định thị trường ngoại hối là do chính sách và sự thực hiện đúng mực chính sách điều hành tỉ giá, phần còn lại là do sự ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có sự kiểm soát lạm phát và giữ sự ổn định giá trị tiền đồng.
Có ý kiến cho rằng, cơ chế điều hành tỉ giá hiện nay của Việt Nam đang neo cố định theo USD, theo đó, có những rủi ro bất ổn tỉ giá. Vậy theo ông, với bối cảnh của Việt Nam thì trong giai đoạn hiện nay có nên chuyển sang cơ chế neo giữ một giỏ tiền tệ? Nếu nên hay chưa nên thì vì sao?
- Cơ chế neo giữ tỉ giá theo một giỏ tiền tệ rất phức tạp, cần các chỉ số ngoại hối tổng hợp (Composite FX index) để có thể theo dõi tình trạng và sự biến động của các ngoại tệ so với VND một cách đầy đủ, cập nhật hằng ngày, hằng giờ. Để neo giữ tỉ giá theo giỏ tiền tệ thì quốc gia đó phải có một nền kinh tế phát triển hoàn thiện, thị trường tài chính ở trình độ cao, công nghệ thông tin phát triển và một sàn giao dịch ngoại hối mở rộng cho tất cả các ngoại tệ và vận hành theo cung cầu thị trường. Các điều kiện đó thì Việt Nam chưa thể có được. Hơn nữa, đồng USD hiện đang là đồng tiền chủ chốt trên thị trường ngoại hối, sử dụng nhiều trong các hoạt động ngoại thương, vì hầu hết các quốc gia có quan hệ mậu dịch với VN đều chấp nhận thanh toán bằng USD. Việc theo dõi biến động của đồng USD dễ dàng hơn nhiều và thông tin có liên tục, dễ cho Việt Nam neo theo. Đó là chưa kể các yếu tố khác liên quan đến chính trị, ngoại giao, an ninh tiền tệ... trong bối cảnh hiện nay cho thấy, việc tỉ giá của Việt Nam cố định theo USD là an toàn hơn cả.
Cũng có lời khuyên cần tránh xu hướng điều chỉnh tăng đột ngột một chiều tỉ giá, sau đó giữ nguyên tỉ giá chính thức trong thời gian dài, thay vào đó, nên thay đổi tỉ giá chính thức có lên, có xuống với mức điều chỉnh nhẹ với tần suất nhiều hơn? Lời khuyên này liệu có áp dụng được với thị trường Việt Nam hiện nay không?
- Tôi cho rằng, lời khuyên đó là đúng nếu Việt Nam đang trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc, thị trường tài chính phát triển trên cơ sở các thành viên tham gia thị trường hiểu rõ về tài chính. Nếu tôi không nhầm thì bản thân Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng có lần nói là về lâu dài cần để thị trường quen với việc tỉ giá có lên có xuống với mức điều chỉnh nhẹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam mấy năm gần đây, việc điều chỉnh tỉ giá từng bước và ổn định trong thời gian nhất định là rất cần thiết để ổn định tâm lý thị trường và giúp cho các DN lập kế hoạch kinh doanh sát với thực tiễn, đồng thời tạo yên tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Nên nhớ, mức ảnh hưởng của điều chỉnh tỉ giá là rất lớn và đặc biệt tác động đến tâm lý kỳ vọng ngay lập tức, không như điều chỉnh giá xăng dầu hay điều chỉnh lãi suất nên cần phải rất thận trọng. Với tỉ lệ lạm phát thấp, hiện tượng đôla hóa và vàng hóa ngày càng bị đẩy lùi, VND càng ngày càng khẳng định được tính ổn định và sự tin tưởng vào giá trị tiền đồng. Theo tôi, việc điều chỉnh tỉ giá với tần suất thường xuyên hơn cũng cần phải được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng và vào thời điểm hợp lý trong tương lai chứ không phải trong ngắn hạn. Tại thời điểm này, khi tình hình kinh tế hiện nay chịu tác động của yếu tố tâm lý, nhất là trước sự kiện Biển Đông đang căng thẳng, thì hơn bao giờ hết lại càng phải thận trọng hơn nhiều.